Lễ ăn hỏi là nghi thức truyền thống mang đậm giá trị văn hóa và nhân văn trong phong tục cưới hỏi của người Việt, thể hiện sự gắn kết giữa hai gia đình, lòng thành kính với tổ tiên và niềm tin vào hạnh phúc lứa đôi.
- Lễ nhập trạch – Văn hóa tâm linh của người Việt
- Tục ăn trầu – Sợi chỉ đỏ nối liền hồn quê và đạo lý dân tộc
- Sống chậm – Hành trình tìm lại chính mình
Xem nhanh
Lễ ăn hỏi ngày xưa – Giản dị nhưng chan chứa nghĩa tình
Ngày xưa không cầu kỳ, xa hoa. Nhà trai chỉ cần mang theo vài lạng chè Thái Nguyên, chút bánh kẹo, thuốc lá cuộn; thêm mấy quả cau tươi lá trầu xanh là đủ thể hiện tấm lòng. Đôi khi chỉ cần chừng ấy thôi là hai họ đã có thể cùng nhau bàn bạc chuyện hôn sự; định ngày lành tháng tốt cho đôi trẻ nên duyên.
Tuy lễ vật không nhiều, nhưng ý nghĩa lại sâu sắc. Mỗi món quà đều thay cho lời thưa chuyện chân thành, lời hứa nguyện gắn bó trăm năm. Sự giản dị ấy khiến lễ ăn hỏi ngày xưa không nặng về hình thức; mà đậm đà về cảm xúc, giúp các gia đình đến gần nhau hơn; chan hòa và hiểu nhau qua từng ánh mắt, nụ cười, lời chào hỏi.
Lễ ăn hỏi – Nghi lễ tâm linh gắn kết với tổ tiên
Không thể thiếu trong lễ ăn hỏi là nghi thức dâng lễ lên bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ được lau dọn tinh tươm; đèn nến lung linh, hương trầm thơm ngát như lời mời gọi ông bà, tổ tiên cùng về chứng giám. Những mâm lễ, dù lớn hay nhỏ, cũng được đặt trang trọng trước bàn thờ như lời khấn nguyện mong được phù hộ cho đôi bạn trẻ hạnh phúc dài lâu.

Đây chính là chiều sâu tâm linh của lễ; nơi con cháu thể hiện lòng biết ơn với cội nguồn, tin tưởng rằng hạnh phúc lứa đôi; cũng là kết tinh từ phúc đức gia đình. Lễ ăn hỏi vì vậy không chỉ là nghi thức kết duyên mà còn là lễ hội của lòng thành kính.
Lễ ăn hỏi trong ký ức – Mùa xuân và sắc đỏ hỷ sự
Tôi vẫn nhớ buổi sáng xuân hôm chị gái làm lễ ăn hỏi. Trời se lạnh, gió nhẹ, căn nhà rực sắc đỏ với cổng hoa lá dừa, dải lụa đỏ trải lối đi. Đoàn nhà trai trong áo dài gấm xanh; khăn đóng, tay nâng tráp lễ phủ khăn đỏ, gồm bánh phu thê, bánh cốm, trầu cau, chè, rượu, xôi gấc và lợn quay bóng mỡ.
Sau nghi lễ trang trọng là bữa cơm thân mật – Phần không thể thiếu trong buổi lễ của người Việt. Mâm cơm không chỉ là nơi đãi khách mà còn là dịp gắn kết hai gia đình. Những món ăn dân dã như gà luộc, xôi gấc, canh măng, giò lụa… được bày biện chỉn chu, không quá sang trọng nhưng đậm đà tình nghĩa.

Trong không gian ấy, người lớn nói chuyện cưới hỏi, rượu mừng rót tràn ly. Trẻ nhỏ cười đùa, chạy quanh sân. Không khí ấm cúng của bữa cơm ngày ăn hỏi khiến ai cũng thấy gần gũi, thân thiết như người một nhà. Chính những bữa cơm ấy là nơi khởi đầu cho sự đồng lòng, chia sẻ và gắn bó của hai bên thông gia.
Lễ ăn hỏi hôm nay – Vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống
Dù xã hội ngày càng hiện đại, lễ ăn hỏi vẫn giữ được những giá trị cốt lõi. Ngày nay, nhiều gia đình chọn thuê dịch vụ tráp lễ, trang trí hoa tươi cầu kỳ, có cả dàn nhạc lễ tân thời… Tuy nhiên, những nét xưa như bánh phu thê, bánh cốm, trầu cau, mâm lễ dâng tổ tiên… Vẫn không thể thiếu. Đó là minh chứng rõ ràng cho sự hòa quyện giữa hiện đại và truyền thống, giữa đổi mới và gìn giữ.
Quan trọng hơn cả, tinh thần của lễ ăn hỏi – Sự thành kính, sự trân trọng lẫn nhau, lòng tin vào hôn nhân và gia đình – Vẫn luôn được đề cao. Dù hình thức có thay đổi theo thời đại, thì cái “lễ” vẫn còn nguyên vẹn giá trị.
Gìn giữ hồn cốt dân tộc
Mỗi lần bắt gặp đoàn lễ ăn hỏi đi trên phố, tim tôi lại rung lên những nhịp nhớ. Nhớ sắc đỏ rực rỡ, nhớ tiếng trống rộn ràng, nhớ bàn thờ nghi ngút khói hương và bữa cơm gia đình quây quần ấm cúng. Những hình ảnh ấy không chỉ là hồi ức cá nhân, mà còn là một phần hồn quê, hồn Việt – Thứ mà dù đi xa đến đâu, mỗi người con đất Việt cũng mang theo bên mình.
Lễ ăn hỏi không chỉ là sự kiện của hai cá nhân mà còn là chiếc cầu nối giữa các thế hệ. Giữ gìn lễ ăn hỏi không chỉ để bảo tồn một nghi lễ, mà là để bảo tồn bản sắc dân tộc, gìn giữ mạch nguồn yêu thương, đạo hiếu và sự gắn bó gia đình – Những giá trị đang dần mai một giữa đời sống hiện đại.