Lúc mới chào đời, bé N.T.A chỉ nhỏ bằng chiếc xi-lanh 50ml; chân nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn và nặng 400gr.

Mới đây, bệnh viện Phụ Sản Trung ương vừa chăm sóc và nuôi dưỡng thành công bé gái sinh non 27 tuần tuổi nhẹ cân nhất từ trước đến nay tại Việt Nam; khi chào đời chỉ nặng 400gr.

Theo báo Zing, sau hơn 3 tháng chăm sóc, cân nặng của bé N.T.A. hiện tại là 1.8kg, tăng gấp 4 lần so với lúc mới sinh. Hôm nay, mẹ của A. (ở Yên Thành, Nghệ An) đã được đón em về nhà.

Nặng 400gr khi mới chào đời

Bé N.T.A. nặng 400gr khi mới chào đời
Bé N.T.A. nặng 400gr khi mới chào đời (ảnh chụp màn hình báo VTV.vn)

Trước đó, ngày 1/6 bé được mổ đẻ vì bị chậm phát triển trong tử cung, suy thai; mẹ của bé  bị mắc chứng tiền sản giật.

Bé ra đời chỉ vỏn vẹn 400gr, nhỏ bằng chiếc xi lanh 50ml và nằm gọn trong lòng bàn tay của các nhân viên y tế.

Ngay sau khi mổ lấy thai nhi, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức sơ sinh; cùng nhiều phương pháp chống suy hô hấp và chống nhiễm khuẩn nhiều tầng cho bé.

Bé được mổ lấy thai ở tuần thai 27
Bé được mổ lấy thai ở tuần thai 27 (ảnh chụp màn hình báo VTV.vn

TS.BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh, cho biết với một em bé chỉ nặng 400gr, chân nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn; việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven rất khó khăn. Khi mới sinh, bé được nuôi dưỡng hoàn toàn qua tĩnh mạch. Sang ngày thứ 15, bé mới ăn bữa đầu tiên qua miệng, mỗi lần chỉ 1.5-5ml sữa/ bữa.

Ảnh chụp màn hình báo VTV.vn

BS Trác cho biết thêm: “Sau hơn 3 tháng, trẻ tự thở khí trời, ăn sữa đạt 200 ml/ngày. Đây là sự tăng trưởng kỳ tích của trẻ, với mức tăng trưởng 15% cân nặng/tuần”.

Việc cứu sống và chăm sóc thành công bé A. được coi là một kỳ tích

Theo tờ VTV.VN, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Phải 10 năm chúng ta mới có thể đưa được 1 kỷ lục về trọng lượng em bé trên một sản phụ bị bệnh rất nặng, và em bé suy dinh dưỡng cũng rất nặng. Nó thể hiện rằng trình độ y học của chúng ta có thể đạt được việc chăm sóc em bé ra đời từ 28 tuần đến 40 tuần nuôi bên ngoài điều kiện của buồng tử cung. Đó là sự hiểu biết sâu sắc về sinh lý bệnh học của thai nhi cũng như chăm sóc và tất cả điều kiện dinh dưỡng của thai nhi, chống nhiễm khuẩn sau khi đẻ”.

Bé A. đã nặng 1,8 kg sau hơn 3 tháng được các nhân viên y tế chăm sóc.
Bé A. đã nặng 1,8 kg sau hơn 3 tháng được các nhân viên y tế chăm sóc
(ảnh chụp màn hình báo Zing.

Trước đó, năm 2019 tại Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc cũng cứu sống một bé sơ sinh ở tuần 26 và nặng 480 gram. Sau khi được các bác sĩ chăm sóc 13 tuần tại bệnh viện, cân nặng của bé lúc này là 2.1kg. Trường hợp của bé cũng được các bác sĩ đánh giá là “kỳ tích hiếm có”.

Để hạn chế nguy cơ sinh non, các thai phụ cần thăm khám, theo dõi thai nghén thường xuyên tại các cơ sở y tế uy tín. Ngoài ra, sản phụ cũng cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng và vận động hợp lý để thai nhi phát triển khỏe mạnh.