Rồi tôi quyết định làm cho cuộc hôn nhân của mình dễ thở hơn. Bởi tôi hiểu rằng hôn nhân cần được … thở, nếu không nó sẽ chết!
Tôi nhớ mình đã từng bước vào tình yêu với rất nhiều những mộng mơ. Rồi khi sống chung, tôi luôn trách chồng chẳng biết lãng mạn, chiều chuộng vợ. Tôi cho rằng chồng không biết cách yêu; nên tôi không có được cảm giác ngọt ngào của tình yêu.
Xem nhanh
Sự ích kỷ khi tôi muốn chồng phải thay đổi
Tôi thường xuyên cáu gắt, ghen tuông và đổ lỗi sang anh: “Anh phải như nào thì em mới như thế này”. Tôi luôn kiếm tìm sự hoà hợp mà hai người trong đó phải cảm nhận được nhau từng giây từng phút; tôi bắt chồng thay đổi để khớp với những mộng tưởng hôn nhân của mình.
Nhưng trớ trêu thay, những thứ tôi mong muốn không xảy ra, mà luôn theo cách ngược lại. Từ một người hiền lành và luôn nhường nhịn, chịu đựng vợ; chồng tôi dần trở nên cáu gắt, anh có thể nổi xung vì những điều vụn vặt nhất.
Ví như, nếu trước đây, anh về muộn và im lặng nghe tôi than vãn, kể lể khổ sở. Nhưng sau này, anh về muộn cùng bộ mặt ảm đạm; và chỉ cần tôi nói gì đó là anh sẽ khùng lên “đấu” với vợ. Thậm chí anh có thể ném luôn chiếc bát đang cầm xuống sàn nhà nếu vợ vừa ăn vừa càm ràm… Tôi bỗng sợ hãi khi thấy anh như vậy.
Một mối quan hệ mà mình mong muốn phải do chính bản thân mình tạo ra, chứ không phải là bắt người ấy thay đổi
Và rồi tôi nhận ra sai lầm của mình. Chính tôi đã tạo ra một mối quan hệ khiến chồng ngột ngạt, bế tắc. Tôi liên tục đòi hỏi và chỉ trích. Những áp lực trong công việc và cuộc sống bên ngoài vốn đã đè nặng lên vai chồng; nhưng tôi mặc kệ, bắt anh phải đối xử với mình theo cách mình muốn.
“Em không cho anh được thở!”, tôi nhớ chồng đã bất lực gào lên như thế trong một cuộc cãi vã. “Anh như thế này cũng không được, như thế kia cũng không được. Rốt cuộc anh không biết em muốn anh phải thế nào!”, chồng tôi chán nản kết luận.
Từng có một câu hỏi khiến tôi giật mình: “Nếu anh ấy cũng đối xử với bạn như cách bạn đối xử với anh ấy thì sao?” “Thì khủng khiếp quá và mình sẽ không thể chịu đựng nổi” – ngẫm lại thì chính xác đó là điều tôi có thể trả lời.
Tôi biết, sự chịu đựng chồng đã đến giới hạn nên anh mới vậy. Cũng như tôi, anh không cảm nhận được tình yêu. Tôi hiểu ra, một mối quan hệ mà mình mong muốn phải do chính bản thân mình tạo ra chứ không phải là bắt người ấy thay đổi.
Cuối cùng tôi nhận ra, hôn nhân cần được … thở, nếu không nó sẽ chết
Rồi tôi quyết định làm cho cuộc hôn nhân của mình dễ thở hơn. Tôi vẫn rất khó khăn để kiểm soát được những cơn nóng giận và cảm xúc tiêu cực; nhưng tôi biết đâu là đúng – sai, sẵn sàng xin lỗi nếu mình quá đáng, lỡ lời.
Tôi chủ động tạo ra những khoảnh khắc lãng mạn, nói chính xác điều mình mong nhận được, thay vì chỉ chờ đợi, trách cứ như trước đây. Tôi cũng bớt những câu gào thét như: “Anh đi đâu mà giờ mới vác mặt về?” Nếu chồng về muộn, tôi hỏi chồng: “Hôm nay có chuyện gì à anh?” …
Điều bất ngờ là, khi tôi thay đổi, chồng tôi cũng dần trở về hiền lành, nhẹ nhàng như trước. Anh chủ động về nhà sớm hơn; thường đặt điện thoại xuống khi ở bên con mà không cần tôi nhắc.
Tôi nghĩ, chúng ta thường lầm tưởng rằng yêu là phải cuồng nhiệt, nồng cháy; và nhiều khi quay quắt khổ sở kiểm soát nhau. Nhưng nếu đi lâu với tình yêu và bình tĩnh nhìn nhận, tôi thấy một tình yêu bền vững phải là nơi mà cả hai cảm thấy an toàn, dễ chịu khi an trú trong đó; chứ không phải quay cuồng đòi hỏi, làm khổ nhau.
“Cho nhau được… thở” cuối cùng lại là lý do khiến mỗi người muốn ở lại. Lý do “dễ thở” có lẽ quá đơn giản; đến mức chẳng mấy ai ngờ để bắt đầu và duy trì một tình yêu. Và có một điều rằng, để bền vững và hạnh phúc thì hôn nhân cũng cần được… thở.