Con gái bị tâm thần, bà phải chăm cháu ngoại từ khi còn lọt lòng. Thất nghiệp vì dịch Covid-19, cuộc sống hai bà cháu chật vật qua từng bữa cơm với nước mắm.

Một câu chuyện được đăng trên báo Thanh Niên kể về cuộc sống của bà Nguyễn Thị Kim Hoa (50 tuổi) cùng cháu gái lên 3 khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa và cháu ngoại vừa lên 3 tuổi
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa và cháu ngoại vừa lên 3 tuổi
(ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Căn phòng trọ nhỏ khoảng 6m2 ở đường Lê Văn Lương, quận 7, TP. HCM là nơi ở của bà Nguyễn Thị Kim Hoa cùng đứa cháu ngoại mới vừa 3 tuổi.

Gần 4 tháng thất nghiệp vì dịch Covid-19 khiến bà rơi nước mắt khi nghĩ tới cháu gái không được chăm sóc no đủ. Đồ dùng trong nhà cũng không có đồ gì giá trị ngoài chiếc loa cho cháu nghe nhạc mỗi ngày. Đến cái cửa hỏng cũng không có nổi tiền để thay.

Vừa làm ngoại vừa làm mẹ

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa phải thay con gái chăm cháu ngoại từ lúc mới lọt lòng

(ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Cách đây hơn 3 năm, con gái của bà bất ngờ thông báo mình đang mang thai tháng thứ năm. Bà hỏi ra mới biết trong thời gian đi làm thì con gái quen với một người nước ngoài và mang thai. Vừa giận vừa thương, bà trách bản thân vì mải kiếm tiền mà không theo sát được con.

Đáng buồn hơn, sau khi sinh con thì con gái bà bị mắc bệnh tâm thần, không thể tự chăm sóc cho con gái mới chào đời. Không còn cách nào, bà đành gửi con gái vào trại tâm thần ở TP. Thủ Đức để chăm sóc cho đứa cháu gái.

 Được một thời gian, vì thương con nên bà lại đón về. Tuy nhiên, mỗi lần lên cơn, con gái bà lại bỏ đi lung tung. Một lần nữa, bà lại phải đưa con vào trại tâm thần.

“Tôi là mẹ cũng đau lòng lắm. Xót xa khi em bé mồ côi cha, mồ côi mẹ. Xót xa nhưng lực bất tòng tâm, biết làm sao bây giờ. Nếu theo con thì bỏ cháu cho coi, đành phải chọn một. Chỉ biết im lặng, cắm cúi làm nuôi cháu”, bà buồn bã nói.

Mưu sinh lo cho cháu

Căn phòng rộng khoảng 6m2 của hai bà cháu không đồ giá trị
Căn phòng rộng khoảng 6m2 của hai bà cháu không đồ giá trị
(ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Hằng ngày bà bán vé số để chăm lo cho cháu. Thu nhập của bà mỗi ngày khoảng hơn 100.000 đồng. Tằn tiện lắm bà mới có đủ đóng tiền trọ, còn lại mới mua sữa cho cháu. “Những lúc hết tiền đành phải nấu nước cơm cho bé bú, pha miếng đường vô, chứ đâu có tiền đâu mà mua sữa”, bà Hoa nói.

Biết được hoàn cảnh của bà, một người quen đã giới thiệu cho bà công việc tạp vụ theo giờ. Hằng ngày bà gửi cháu rồi nhận việc. Công việc mới giúp bà có thu nhập tốt hơn; đủ để trang trải sinh hoạt cho hai bà cháu.

Túng quẫn vì dịch

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Tuy nhiên, làm chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát. Công việc bà Hoa nhận được ngày một ít dần. Đến tháng 5/2021 thì bà bị thất nghiệp. Bà xót xa mỗi khi nhìn đứa cháu gái không có gì ăn.

“Tôi thì sao cũng được. Chỉ sợ là sợ em bé thôi chứ mình lớn rồi mình ăn cơm với nước mắm, nước tương cũng qua”, bà ngậm ngùi.

Túng quẫn, bà đem chiếc xe của mình đi cầm được 1.5 triệu đồng. Dự định cầm cự hết dịch đi làm thì chuộc xe về. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài, chiếc xe quá hạn từ tháng 7 cũng không thể lấy về.

Bữa cơm thanh đạm qua ngày
Bữa cơm thanh đạm qua ngày (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Hơn 3 tháng thất nghiệp, hai bà cháu chỉ ở trong phòng vì lo tránh dịch. Thỉnh thoảng được chính quyền hay tổ thiện nguyện cho ký gạo, ký rau bà mới ra ngoài ngõ để nhận.

Nhiều lúc nghĩ thương con gái và cháu bà bật khóc. Cháu gái dường như rất hiểu chuyện đến bên dỗ “Ngoại ơi, đừng khóc”. Bé còn hay hát cho bà nghe giúp bà được an ủi và phần nào quên đi những khó khăn trước mặt. Bà mong dịch bệnh sớm qua thật nhanh để có thể đi làm và lo cho cháu nhỏ.