Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường không ngừng gia tăng khiến việc chẩn đoán và điều trị Viêm mũi dị ứng khá phức tạp.
Đây là một bệnh toàn thân với các triệu chứng đặc trưng tại mũi, do niêm mạc mũi phản ứng quá mức với các tác nhân gây dị ứng (dị nguyên). Chỉ cần tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên, niêm mạc mũi lập tức kích hoạt phản ứng quá mẫn; dẫn đến hàng loạt biểu hiện của viêm mũi dị ứng.
Theo các nghiên cứu dịch tễ học, viêm mũi dị ứng thuộc nhóm bệnh hô hấp dị ứng và chiếm khoảng 10-15% dân số toàn cầu; một con số đáng chú ý khi nói về ảnh hưởng của căn bệnh này.
Xem nhanh
Chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng
Chẩn đoán cận lâm sàng
Ngoài khám lâm sàng đánh giá triệu chứng, bác sỹ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt và chẩn đoán xác định.
- Xét nghiệm máu: đo mức kháng thể IgE, thể hiện sự chống trả của cơ thể trước các tác nhân gây dị ứng. Chỉ số thường tăng trong đa số các loại dị ứng, bao gồm cả dị ứng thực phẩm.
- Xét nghiệm da: test lẩy da để xác định các tác nhân gây dị ứng gây ra triệu chứng của bạn. Khi làm test lẩy da, một mẫu nhỏ các tác nhân gây dị ứng được đưa lên bề mặt da bạn; thường là ở cẳng tay hoặc lưng bằng cách dùng kim cạo hoặc lẩy da. Nếu có dị ứng với một tác nhân nào đó trong mẫu, vùng da đó sẽ trở nên đỏ, ngứa và bị kích ứng trong khoảng 15 đến 30 phút.
- Xét nghiệm nội bì: tương tự như trên nhưng tác nhân gây dị ứng được đặt dưới da. Nếu có dị ứng, da cũng sẽ phản ứng giống như trên.
Điều trị bằng thuốc
Triệu chứng bệnh kéo dài hay không phụ thuộc nhiều yếu tố; đa số người bệnh sẽ cảm thấy triệu chứng giảm trong vài ngày; hoặc một thời gian ngắn sau khi dùng thuốc. Nhưng lại cần phải dùng liên tục cho đến khi các tác nhân gây dị ứng không còn trong môi trường do thuốc chỉ có tác dụng tạm thời.
Có nhiều dạng thuốc khác nhau như siro, viên nén, nhỏ hay xịt mũi, tiêm. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào; đặc biệt khi đang mang thai hoặc có bệnh lý kèm theo.
1. Kháng histamine
Kháng histamin H1 thường được xem là lựa chọn hàng đầu trong việc giảm thiểu các triệu chứng dị ứng như ngứa, hắt hơi và chảy mũi. Thuốc có nhiều dạng bao gồm viên nén, dạng lỏng, xịt mũi và nhỏ mũi; với các hoạt chất tiêu biểu như loratadine, cetirizine, fexofenadine và levocetirizine.
Mặc dù hiệu quả, các kháng histamin H1 cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ; như buồn ngủ, tiêu chảy, đau đầu và chóng mặt. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng, đặc biệt là tránh tiêu thụ rượu; nhất là trong trường hợp người dùng cần điều khiển phương tiện giao thông. Các tác dụng phụ này thường hiếm gặp; và đã được chứng minh là an toàn cho phần lớn bệnh nhân qua nhiều năm nghiên cứu.
Cần lưu ý rằng thuốc kháng histamin H1 chỉ giúp làm giảm triệu chứng mà không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bệnh. Vì vậy, việc xác định và tránh xa các tác nhân gây dị ứng là rất quan trọng.
2. Thuốc thông mũi
Các loại thuốc này chứa chất gây co mạch, giảm sung huyết, ngạt mũi. Thuốc có thể dưới dạng viên uống , siro hoặc xịt mũi. Một số loại phổ biến bao gồm: Xịt mũi Coldi B, Nazal, nhỏ mũi Otrivin, Naphazoline, Xylometazoline…
Thuốc thông mũi có thể làm tăng huyết áp và gây ra đau đầu, khó ngủ và tính cáu kỉnh. Sử dụng thuốc thông mũi trong thời gian dài hơn năm ngày có thể gây nghiện; và gây viêm mũi do thuốc nên cần thận trong và hỏi ý kiếm bác sỹ trước khi muốn sử dụng kéo dài.
Bs. Phương Hà là Ths BS CK1 Bs nội trú chuyên khoa Tai Mũi Họng – Nhi với 15 năm kinh nghiệm, làm việc tại Trung Tâm Y Khoa Medic Hoà Hảo, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, Bệnh viện STO Phương Đông và Phòng khám riêng. Những kiến thức chuyên ngành kèm với am hiểu về lĩnh vực chữa lành tự nhiên đã giúp cô tiếp cận và giúp đỡ cho rất nhiều bệnh nhân không chỉ từ góc nhìn trong lĩnh vực Tai Mũi Họng. Cô quan niệm chữa bệnh cần cá thể hoá và cơ thể mỗi người là đặc biệt và duy nhất.
3. Xịt mũi corticosteroid
Thuốc này giúp giảm triệu chứng viêm và phù nề, làm dịu các triệu chứng ngạt, chảy mũi, hắt hơi. Các thuốc phổ biến là fluticasone ( Flonase, Flixonase, Meseca, Avamys) , budesonide(Rhinocort, Benita ) và mometasone ( Nasonex, Nazoster, Momex) , Triamcinolone ( Nasacort). Thuốc corticoid xịt mũi là thuốc dùng tại chỗ, ít thẩm thấu vào trong máu nên ít tác dụng phụ. Tuy nhiên cũng hiếm khi xảy ra một số phản ứng như đau đầu, kích ứng mũi, chảy máu mũi và ho.
4. Thuốc ức chế leukotriene
Trong quá trình kích hoạt phản ứng dị ứng, cơ thể giải phóng leukotriene, histamine và các chất gây viêm khiến triệu chứng xuất hiện. Thuốc ức chế cơ thể tiết ra leukotriene phổ biến nhất là montelukast (Singulair). Một số người có thể cảm nhận thấy có thay đổi tâm trạng, mơ nhiều hơn, cử động cơ tự phát và phát ban trong khi sử dụng.