Vợ chồng chị Hạnh không chỉ miễn phí nơi ở, tiền điện, tiền nước mà còn hỗ trợ mua tặng nhu yếu phẩm cho sinh viên và lao động nghèo mới đến trọ.

Ngày 14/8, một bài viết trên tờ Zing News chia sẻ về tấm lòng vàng của chủ trọ Hà Nội khiến nhiều người cảm mến.

Chủ nhà trọ được nhắc đến trên đây là vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh (32 tuổi,  ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Vừa hoàn thiện ngôi nhà theo phong cách chung cư mini khép kín để chuẩn bị cho thuê, anh chị phải dừng mọi kế hoạch do phải thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội.

Vợ chồng chị Hạnh thấy rất hạnh phúc khi giúp được người khác trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này
(ảnh chụp màn hình báo Zing News).

Tấm lòng vàng muốn sẻ chia cho sinh viên và lao động nghèo

Theo dõi mạng xã hội, thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn lại không có chỗ ở, chị Hạnh bàn với chồng, sử dụng ngôi nhà vừa mới xây làm chỗ ở miễn phí cho những sinh viên và lao động nghèo.

Chị Hạnh chia sẻ: “Dịch bệnh thế này, nhà tôi xây xong để không cũng phí nên nếu có thể giúp được người khác thì rất tốt. Sau khi xin ý kiến và được sự ủng hộ của phía chính quyền phường; tôi nhanh chóng thông báo về kế hoạch qua mạng xã hội”.

Vài ngày sau, chị Hạnh bắt đầu nhận được các cuộc điện thoại gọi đến nhờ giúp đỡ. Trong vòng gần 2 tuần, hầu hết các phòng đã có người đến ở. Mỗi phòng có khoảng 1-2 người, chủ yếu là sinh viên và lao động khó khăn gặp vấn đề về chỗ ở.

Mái ấm mùa dịch

Vì ngôi nhà được thiết kế các phòng theo dạng chung cư mini khép kín nên mỗi phòng rộng có đầy đủ tiện nghi như nhà vệ sinh, bình nóng lạnh, điều hòa và một số vật dụng thiết yếu. Diện tích phòng cũng khá rộng, khoảng 20m2. Khách trọ có thể đảm bảo việc giãn cách và tránh tiếp xúc với người khác.

Không chỉ miễn phí chỗ ở, tiền điện, tiền nước, chị Hạnh còn mua tặng một số nhu yếu phẩm như gạo, rau củ và đồ dùng cá nhân cho những người mới đến ở trọ.

Chị Hạnh chia sẻ rằng: “Mọi người đến đây cũng rất có ý thức khai báo y tế, chấp hành các quy định và giữ vệ sinh. Giữa thời điểm dịch bệnh khó khăn này, giúp được người khác trong khả năng của mình, vợ chồng tôi thấy rất hạnh phúc”.

Đồng thời, chị cũng kêu gọi mọi người tặng thực phẩm cho các gia đình khó khăn. Hơn nữa chị còn cùng một số người bạn nấu các suất ăn trưa và tối cho 5 chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn quận.

Sinh viên bị mắc kẹt ở Thủ Đô vì dịch bệnh

Ngoài hỗ trợ chỗ ở miễn phí, chị Hạnh đứng ra kêu gọi, nấu các suất ăn tặng thành viên chốt kiểm soát dịch
(ảnh chụp màn hình báo Zing News).

Hoàng Trung Kiên (quê Hà Nam, sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic); một trong những người được chị Hạnh giúp đỡ cho biết, bản thân rất biết ơn tấm lòng của chị Hạnh.

“Ngày 27/7, tôi phải rời khỏi chỗ trọ cũ, đành chuyển sang trú tạm phòng trọ của 4 người bạn. Tuy nhiên, chủ trọ nơi này không cho phép ở 5 người nên tôi tiếp tục phải chuyển đi. Vì đã dồn gần hết tiền vào việc làm đồ án tốt nghiệp cho kỳ sau nên tôi gặp khó trong việc tìm chỗ ở, nhất là trong thời điểm nhạy cảm này”.

Trước đó, Kiên không nghĩ việc giãn cách sẽ kéo dài nên chủ quan không về quê. Vì vậy, anh bị kẹt lại và rơi vào tình huống éo le. May mắn đọc được bài đăng của chị Hạnh trên mạng xã hội; Kiên gọi điện trình bày hoàn cảnh của mình và nhanh chóng được chị đồng ý. 

Gần hai tuần ở đây, Kiên thấy yên tâm, bạn chia sẻ: “Khu nhà vừa xây xong nên rất mới, khang trang, môi trường xung quanh cũng tốt. Thời gian này, nếu không có chị Hạnh giúp đỡ; tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào. Đợi khi tình hình ổn định, tôi sẽ làm hợp đồng thuê phòng với chị ấy, ở lại đây luôn”.

Lan tỏa yêu thương

chị Đinh Thị Thu Nhung hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho một số trường hợp khó khăn
(ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

“Lá lành đùm lá rách” thực sự là văn hoá của người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Nhiều tấm lòng vàng ở Hà Nội cũng sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho những lao động khó khăn để vượt qua đại dịch.

Như đăng tải trên tờ Thanh Niên: Chị Đinh Thị Thu Nhung (41 tuổi, ở Q. Cầu Giấy) chuyên kinh doanh nhà trọ dạng homestay trước khi đại dịch đến. Hiện nay khi dịch bệnh dẫn đến nhiều người gặp khó khăn, chị đã quyết định hỗ trợ chỗ ở miễn phí một số diện tích trong khu nhà trọ của chị.

Chị Nhung cho biết, vì số lượng giường hạn chế nên chị ưu tiên hỗ trợ những người già neo đơn, người ra viện nhưng không thể về nhà, phụ nữ bán hàng rong, gia đình có con nhỏ và người lao động ngoại tỉnh nhưng gặp khó khăn.

Những tấm lòng vàng của người dân Hà Nội chia sẻ cho sinh viên và lao động nghèo trong khoảng thời gian dịch bệnh này thật là đáng trân trọng.