Đó là 3 anh em ruột Quách Thiều Minh, Quách Minh Anh, Quách Gia Nghi. 3 bạn trẻ đều cùng là sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã cùng vượt mọi khó khăn, tham gia ở tuyến đầu chống dịch.

Tham gia tình nguyện hỗ trợ chống dịch từ những ngày đầu

Theo báo Thanh Niên, 3 anh em Quách Thiều Minh, Quách Minh Anh, Quách Gia Nghi đã cùng tham gia ở tuyến đầu chống dịch từ những ngày đầu đại dịch bùng phát ở TP. HCM.

Anh cả Quách Thiều Minh chia sẻ: “Mình là một công dân được huấn luyện về kỹ năng y khoa; nếu đẩy lùi dịch bệnh không bắt đầu từ những người như mình, ai sẽ góp sức? Mong muốn dịch bệnh qua đi là điều thôi thúc mình tham gia hết mình chống dịch”. 

Thấy anh trai tham gia chống dịch, hai người em của Minh cũng hiểu được tầm quan trọng của việc cứu người như cứu hoả nên đã cùng đăng ký tình nguyện tham gia.

3 anh em Thiều Minh, Minh Anh, Gia Nghi (từ trái sang) đều tham gia ở tuyến đầu chống dịch (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Quách Thiều Minh tâm sự rằng ban đầu bản thân cũng nhiều lo lắng phân vân xem có nên tham gia không. Tuy nhiên nhận thấy dịch bùng phát tại TP. HCM là rất nghiêm trọng. Vào thời điểm đầu tháng 6, khi TP. HCM kêu gọi sinh viên tham gia hỗ trợ chống dịch, Minh đã đăng ký tham gia.

Những ngày đầu, Quách Thiều Minh tham gia trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm tại những điểm có nguy cơ lây nhiễm cao. Công việc thường kết thúc sau 12 giờ đêm. Ngày cao điểm có thể đến 3h sáng mới xong.

Ngoài việc chuyên môn, cả nhóm cũng phải đảm nhiệm cả những việc hậu cần. Từ chuẩn bị dụng cụ bảo hộ, vật tư y tế cho đến việc sắp xếp, điều động thêm người dân địa phương lên tới cả 1.000 người. “Thời điểm đầu, nói thật là chúng mình gặp nhiều khó khăn, cả về nhân lực lẫn khối lượng công việc”, Quách Thiều Minh chia sẻ.

Tinh thần đầy trách nhiệm

Vào cuối tháng 7, TP. HCM triển khai tiêm vắc xin cho người dân, Minh cũng đảm nhiệm thêm vai trò Đội trưởng của 14 đội để hỗ trợ tiêm vắc xin tại Q.6. Cả đội phải chuẩn bị dụng cụ bảo hộ; đo sinh hiệu trước tiêm và theo dõi biến chứng sau tiêm. Các địa điểm tiêm thường bắt đầu từ 7h30 và kết thúc lúc 5h chiều. Một số địa điểm khác còn tiêm cả buổi tối linh động theo địa phương. Là đội trưởng, nên khi tiêm vắc xin xong thì Minh còn phải hoàn tất việc báo cáo. Sau đó,  Minh trao đổi với địa phương để chuẩn bị nhân lực và thiết bị cho công việc hôm sau.

Hai người em của Minh là Quách Minh Anh, Quách Gia Nghi cũng tham gia công việc tương tự. Quách Minh ANh chia sẻ: “Sau khi bố trí chỗ lấy mẫu, nhóm sẽ phân chia công việc cho từng bạn. Có 4 việc chính là điều phối, lấy mẫu, viết code và test nhanh. Sau khi đã lấy hết mẫu cho mọi người, thường 4 – 7 tiếng, tụi mình sẽ dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn rồi lên xe của phường về lại trung tâm phòng chống dịch”.

Hàng nghìn cán bộ, sinh viên trường ĐH Y dược TP. HCM tham gia chống dịch

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ.

Ngày 12/8, tờ báo Tuổi trẻ cho biết: 80 cán bộ, sinh viên trường ĐH Y dược TP.HCM  đã xung phong tình nguyện tham gia chống dịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Trương Văn Đạt – trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết, hiện có khoảng 3.000 y bác sĩ, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19 trên khắp địa bàn TP. HCM.

Ông Đại cho biết: “Dù tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang bước vào giai đoạn khó khăn, căng thẳng, nhưng với tinh thần sẻ chia, xung kích, tình nguyện, các cán bộ và sinh viên của nhà trường đã xung phong lên đường để chung sức, đồng lòng cùng ngành y tế chống dịch”.