Là trẻ con không thể tránh được những lúc mắc lỗi; khi đó, dù có không hài lòng thì cha mẹ đừng nên trách mắng con. Thay vì quát mắng, cha mẹ hãy bình tĩnh trò chuyện và chỉ ra sai lầm, để con hiểu và rút kinh nghiệm.
Xem nhanh
Cha mẹ đừng nên trách mắng con nơi đông người
Không ít phụ huynh có thói quen mắng con ở bất cứ nơi đâu; ngay cả ở những nơi công cộng đông người. Điều này sẽ khiến làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Cho dù trẻ có mắc lỗi, thì cha mẹ cũng không nên mắng con trước mặt đám đông.
Người lớn chúng ta cũng còn cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ khi bị chỉ trích trước đám đông; tại sao trẻ lại không. Khi việc sai lầm của trẻ bị đem ra nói trước mặt tất cả mọi người; điều này sẽ khiến bé tự ti, nhút nhát hoặc khó kiểm soát cảm xúc.
Trách mắng con trong khi ăn
Bữa cơm là lúc gia đình quây quần, đoàn tụ để chia sẻ những chuyện vui vẻ; không phải là lúc để la mắng trẻ. Khi cha mẹ mắng trẻ trong lúc ăn, sẽ tạo ra những cảm xúc tiêu cực ở bé.
Nó không những làm việc ăn uống bị gián đoạn; mà còn tạo tâm lý nặng nề cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Mắng con trong khi ăn, sẽ khiến trẻ không thích việc ăn uống cùng bố mẹ.
Cha mẹ đừng nên trách mắng khi con đã biết nhận lỗi
Một người đã nhận ra lỗi sai và rút ra được kinh nghiệm cho bản thân, nhưng vẫn bị người khác trách mắng liên tục; nó là một cảm giác vô cùng khó chịu. Và trẻ cũng sẽ có cảm giác như vậy. Khi bé đã biết lỗi, nhưng bố mẹ vẫn tiếp tục quát tháo, chỉ khiến trẻ càng cảm thấy tệ hại hơn. Điều này khiến trẻ mất đi ý chí cố gắng; tệ hơn nó sẽ dẫn tới việc trẻ sẽ nói dối, phủ nhận lỗi lầm; vì trẻ biết chắc chắn rằng, dù đúng hay sai thì cha mẹ vẫn sẽ không tha thứ cho mình.
Khi trẻ đang buồn rầu, lo lắng
Khi trẻ đang gặp chuyện buồn, bố mẹ luôn trách mắng, la hét sẽ khiến tâm trạng của con càng ngày càng tệ. Điều này, sẽ vô tình tạo ra những áp lực vô hình đè nặng lên cảm xúc của trẻ. Trẻ nhỏ cũng có thể gặp các vấn đề về tâm lý; dẫn tới nguy cơ bị trầm cảm giống người lớn.
Vì thế, thay vì quát mắng trẻ, cha mẹ hãy dành những cái ôm, lời an ủi cho con; điều này sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Hãy chờ đến khi bé bình tĩnh trở lại, cảm xúc tiêu cực đã được giải tỏa rồi thì cha mẹ hãy dạy bảo con.