Cách nấu bún dọc mùng móng giò ngon với nước dùng được ninh từ những móng giò bổ dưỡng, dọc mùng xanh tươi hòa quyện cùng sợi bún đơn giản mà ngon.
Móng giò giàu chất dinh dưỡng, nó chứa canxi, sắt và nhiều loại vitamin có lợi ích bổ máu, thông sữa, làm mềm da, bổ thận tráng dương. Tuy nhiên, móng giò là thực phẩm chứa nhiều chất béo nên những người có ý định giảm cân thì cần lưu ý khi ăn loại thực phẩm này.
Cùng vào bếp tham khảo cách nấu bún dọc mùng móng giò thơm ngon này nhé!
Xem nhanh
Chuẩn bị nguyên liệu cho cách nấu bún dọc mùng móng giò
- Bún: 500gram
- Móng giò: 500gram
- Dọc mùng: 3-4 tàu
- Cà chua: 3 quả
- Hành khô: 2 củ
- Bột nghệ: 2 thìa café
- Hành hoa, thì là
- Gia vị: Dầu ăn, tương ớt, bột canh, mì chính, muối hạt
- Các loại rau sống ăn kèm
Các bước nấu bún dọc mùng chân giò
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rửa thật sạch móng giò, luộc sơ để giảm bớt mùi hôi. Sau đó rửa sạch lại bằng nước muối.
- Tước vỏ dọc mùng rồi rửa sạch sau đó, cắt vát thành miếng vừa ăn. Vừa cắt vừa thả vào nước muối pha loãng ngâm cho đến khi ra hết nhựa và trắng là được.
- Tiếp tục, bóp dọc mùng với muối hột cho sạch, ăn sẽ không bị ngứa. Rửa sạch sau đó vắt hết nước.
- Rửa sạch cà chua, bổ múi cau. Rửa sạch hành, thì là sau đó cắt khúc.
Bước 2: Nấu các nguyên liệu
- Cho móng giò vào nồi áp suất, thêm nước vừa đủ ăn, nêm vào 1 thìa muối. Hầm đến khi chân giò chín mềm.
- Bắc chảo dầu lên bếp, phi thơm hành khô. Tiếp đến, cho dọc mùng vào xào cùng sơ qua, thêm 2 thìa cà phê bột nghệ để tạo màu.
- Tiếp tục, phi thơm hành với chút dầu, sau đó cho cà chua vào xào cùng.
- Khi nồi nước hầm móng giò đã chín, vớt giò ra để riêng, sau đó thả cà chua vào nấu khoảng 3-5 phút trên lửa nhỏ, nêm nếm lại gia vị vừa ăn.
- Tiếp theo, thả dọc mùng vào nấu khoảng 1 phút là hoàn thành.
Thành phẩm cho cách nấu bún dọc mùng móng giò
Cho bún đã chần sơ vào tô, xếp móng giò lên trên với hành hoa, thì là, sau đó chan nước dùng từ từ lên trên. Ăn kèm với ít rau sống sẽ ngon hơn.
Chú ý: Nên ăn dọc mùng sau khi thả vào luôn để giữ được vị giòn và không bị nát. Hoặc chỉ trần dọc mùng sơ qua rồi vớt ra để riêng, khi ăn mới cho vào.
Ngoài cách trên, ở một số nơi còn biến tấu bằng cách cho thêm cà chua với nấm hương để tạo vị chua cho nước dùng cũng rất ngon. Khi món này vào Sài Gòn, các quán ăn ở đây thường cho thêm hành phi và giá đỗ vào ăn cùng. Tùy theo khẩu vị của gia đình mà có thể biến tấu món ăn một chút để cả nhà cảm thấy ngon miệng hơn nhé.
Xem thêm:
- Cách nấu bún chay Huế ngon dễ làm tại nhà
- Cách nấu bún bò Huế chay ngon miệng mà dễ thực hiện tại nhà