Giống như gia vị, khoảng cách có thể làm cho tình cảm thêm đậm đà nhưng cũng có thể làm hỏng vị nếu nêm nếm không chắc tay!
Sống ở đời, nếu quá xa cách thì mối quan hệ sẽ dần trở nên nhạt nhòa; gần gũi lại sinh ra cảm giác muốn chiếm hữu và đòi hỏi được yêu thương, quan tâm nhiều hơn. Điều này vô tình làm mất không gian riêng tạo hiệu ứng ngược.
Cán cân cuộc đời giữ được sự quân bình thì tình cảm mới được bền lâu. Mối quan hệ dẫu thân thiết thế nào cũng đừng vượt giới hạn, nếu không ‘thì tình là dây oan, hợp rồi sẽ tan’.
Xem nhanh
Nắm bắt khoảng cách trong tình thân
Giữa bạn bè mà quá thân thiết thì dễ làm tổn thương nhau. Trong lời ăn tiếng nói mà không giữ ý, vấn đề tiền bạc không phân minh, không có chừng mực, hành động cợt nhả thiếu sự tôn trọng thì bạn bè cũng dần đội nón ra đi.
Người thân, hằng ngày nên thăm hỏi một vài chuyện diễn ra trong nhà, chia sẻ một vài thông tin… Nhưng nếu quan tâm thái quá lại dễ làm người khác cảm thấy khó chịu, lâu dần sinh ra chán ghét bằng mặt mà chẳng bằng lòng.
Để hòa hợp cần một khoảng cách phù hợp.
Dù là người thân cũng cần lễ nghĩa. Tình thân là thứ tình cảm thiêng liêng, bền vững và khó chia cắt nhất. Nhưng với người thân cũng không được quá tùy tiện, cần có sự tôn trọng. Khi người nhà giúp đỡ thì cần bày tỏ sự biết ơn; không nên coi đó là chuyện đương nhiên hay nghĩa vụ. Khi người nhà gặp khó khăn cần kịp thời giúp đỡ; đôi khi chỉ là những lời động viên ấm áp về tinh thần cũng là quá đủ.
Không nên quá tò mò và thăm hỏi những chuyện riêng tư của người thân. Nhưng nếu họ muốn chia sẻ thì hãy chăm chú lắng nghe. Dù biết thì cũng không nên lấy câu chuyện đó làm quà mà bàn luận, cũng đừng can thiệp nếu họ không nguyện ý. Trong tâm mỗi người luôn có một góc nhỏ không muốn người khác đặt chân vào. Hãy để họ được là chính mình, tôn trọng họ cũng là tôn trọng tình thân giữa hai người.
Cũng không nên thăm dò những chuyện riêng tư của người khác khi họ không chủ động nói ra. Luôn chừa một khoảng lùi, đừng ép người khác vào chỗ khó xử.
Tình cảm gia đình cũng cần khoảng cách
Trong cuộc sống hôn nhân, hãy cho người bạn đời có một chút không gian riêng; cuộc sống gia đình sẽ vui vẻ, đầm ấm hơn. Việc ‘dính như sam’ sẽ nhanh chóng khiến ‘tổ ấm’ trở nên ngột ngạt khó thở.
Vợ chồng chung sống với nhau có đạo vợ chồng. Xưa có câu “Vợ chồng tương kính như tân”; mối quan hệ vợ chồng dẫu mật thiết, nhưng không phải là không thể có những bí mật nho nhỏ. Suy cho cùng thì mỗi người vẫn là một cá thể độc lập; vẫn là tự mình bước đi trên đường đời của riêng mình; và cần hoàn thành những ước nguyện, sứ mệnh mà mình mong muốn.
Cho con không gian trưởng thành
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái; nhưng hãy giữ một khoảng cách phù hợp cho con có cơ hội trưởng thành.
Khoảng cách không nên quá xa, làm ảnh hưởng tới sự quan tâm, kết nối; nhưng đủ để tạo nên sự trông ngóng. Như vậy sẽ khiến trẻ có không gian trưởng thành và được là chính mình, sống theo đúng nguyện ý của mình và dám chịu trách nhiệm với những gì mình lựa chọn. Cha mẹ cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho bản thân, hâm nóng lại tình cảm lứa đôi. Sự gắn kết trong gia đình sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Lắng đọng với thời gian
Tuổi càng lớn thì càng phát hiện ra tình yêu, tình thân, tình bạn, thứ tình cảm nào cũng đáng quý. Rồi cảm thấy chẳng nên tiến quá sâu vào không gian riêng của bất kỳ ai. Hãy để người ta được là chính mình và bao dung bằng sự ấm áp, nồng hậu.
Có câu “Xa thương gần thường”, khoảng cách tự nó đã sinh ra cái đẹp. Một khoảng cách phù hợp giúp mỗi người đều được là chính mình, được tự do trong không gian của mình. Kỳ thực đó chính là sự tôn trọng và trân quý lẫn nhau…
Mỗi người mỗi mệnh, mỗi người đều cần phải tự bước đi trên đường đời cho tới cuối hành trình của sinh mệnh. Mỗi người đều có những đặc tính riêng không thể trộn lẫn. Dẫu thân thiết như cha mẹ, vợ chồng, con cái cũng không thể sống thay cho người khác. Vậy nên, giữ một khoảng cách nhất định để tình thân, tình bạn, tình yêu lắng đọng với thời gian.