Ra đời trong một hoàn cảnh éo le, bị văng khỏi bụng mẹ trong một vụ tai nạn giao thông, giờ bé Huy đã 7 tuổi, tuy chỉ còn một chân nhưng em vẫn rất nhanh nhẹn, kháu khỉnh và hoạt bát.

Vụ tai nạn định mệnh

Trở lại thời điểm cách đây khoảng 7 năm, ngày 25/10/2014, anh Nguyễn Văn Nam (khi đó 32 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang) chở xe máy đưa vợ đi sinh thì gặp tai nạn giao thông. Một chiếc xe trộn bêtông đã cán qua hai vợ chồng, làm chị tử vong tại chỗ, thai nhi trong bụng văng ra ngoài, còn anh Nam bị gãy chân.

Bé trai nhanh chóng được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn trong tình trạng hôn mê sâu. Toàn bộ phần dưới chân phải của bé bị giập nát, các bác sĩ buộc phải tháo khớp gối để bỏ đi đoạn chân hư hỏng. Nhưng cuối cùng cậu bé cũng vượt qua dù thiếu vắng hơi ấm và sữa mẹ.

Bé Nguyễn Quốc Huy, con trai anh Nam đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Những năm tháng khó khăn

Nhắc về sự cố năm xưa, anh Nam bùi ngùi chia sẻ với PV Tuổi Trẻ: “Lúc mẹ thằng Huy bị tai nạn chưa chết ngay, tui ngó sang kêu vợ niệm Phật. Còn con tui thì văng xa mấy mét, cảnh đó vẫn ám ảnh tui đến giờ. Nhưng nhớ lại không phải để dằn vặt, đau đớn, mà nhớ để quý cuộc sống hiện tại và càng thương con”.

Sau khi gặp tai nạn, anh Nam bị cắt bỏ 1/3 cẳng chân phải. Anh phải nằm viện gần một tháng, đến ngày xuất viện, anh mới được thấy mặt con. “Hồi hộp, mừng rỡ, buồn tủi, thương con”, anh nhớ lại.

Anh chia sẻ, thời gian đầu mới què quặt, anh cũng gặp nhiều khó khăn. Anh cho biết, vất vả nhất là đưa con lên Sài Gòn khám định kỳ vì sức khỏe con yếu. Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát thì anh không lên Sài Gòn nữa.

Ảnh chụp màn hình: Người Lao Động.

Khoảng thời gian khó khăn nhất với bé Huy là lúc tập đi với chân giả khi mới hơn 11 tháng tuổi. Nhìn thấy cảnh con khó nhọc xoay xở với chân giả, khóc lóc khi tập đi khiến người đàn ông cứng cỏi như anh cũng ứa nước mắt theo.

Anh Nam kể, Quốc Huy ngày nhỏ hay bệnh vặt. Đến hơn 2 tuổi, bé mới có thể đi đứng lẫm chẫm. Đến giờ thì chỉ khi đi học, con mới mang chân giả, về nhà là tháo ra mà vẫn chạy khắp nhà. “Tui tháo chân giả ra là xem như thua, không bằng một phần nó”, người cha đơn thân cười, cho biết.

Anh Nam tiết lộ với báo Người Lao Động, tính đến đầu năm nay, anh đã được các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 5 tỷ đồng. Anh dùng số tiền đó xây căn nhà bên dòng kênh Cả Nai để các con có điều kiện đi học gần nhà và mua mấy ha đất ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) để làm nông.

Anh tâm sự “Cả cuộc đời tui chưa bao giờ có được số tiền lớn đến vậy. Nhiều đêm nghĩ về cuộc sống hiện tại và vợ đã mất mà ứa nước mắt thương vợ. Tui có thể đánh đổi tất cả để vợ còn sống, con tui còn có mẹ”.

Cuộc sống trở lại bình thường

Bây giờ, công việc của anh Nam là làm nông, kiếm tiền nuôi con. Ruộng ở xa nhà cách 60km, nên mỗi lần đi làm ruộng, anh đi mấy ngày mới về. Anh kể một năm sẽ làm hai vụ lúa, còn mùa nước nổi, anh dành trọn vẹn thời gian bên các con.

Quốc Huy đang học trường tiểu học gần nhà, mỗi sáng, em đến trường bằng chiếc xe hơi điện đồ chơi. Hình ảnh cậu bé mang chân giả đến trường đã quá quen thuộc với người dân, thầy cô và bạn bè.

Ảnh chụp màn hình Tuổi trẻ.

Ban đầu anh Nam cũng lo sợ con bị ăn hiếp nhưng giờ anh có thể yên tâm vì cậu bé hiền lành được bạn bè, thầy cô, hàng xóm thương mến và giúp đỡ.

Anh Nam kể ngày xưa nhà nghèo không có tiền đi học, giờ anh quyết tâm phải lo cho bé Huy học hành đến nơi đến chốn. “Nhìn con tiến bộ, lòng tui vui sướng khó tả lắm”, anh cười cho biết.