Mấy hôm trước, ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu (Q.3, Sài Gòn) có người đàn ông tóc hoa râm, mặc đồ bảo vệ ngồi bên đường. Ông dựng xe một góc, trên xe đề một tấm bảng nhỏ: “Không tiền về quê tránh dịch. Xin vui lòng giúp đỡ. Cảm ơn!”.

Đường cùng, phải đi xin ăn sống qua ngày

Ông Bùi Quang Vinh (69 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) từ Tiền Giang lên Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1990. Chia sẻ với PV Thanh niên, ông nói chưa bao giờ nghĩ rằng mình phải rơi vào hoàn cảnh phải đi xin tiền như thế này.

Trước đây, bởi tuổi cao, ông chỉ có thể xin làm bảo vệ ở các quán ăn, công ty nhưng nhiều lúc cũng bị người ta chê già, yếu rồi bị đuổi việc. Ông cứ bám trụ lấy cái nghề bảo vệ này mà cùng vợ sống ở Sài Gòn.

Ảnh chụp màn hình Thanh Niên.

Vợ ông là bà Phan Thị Tương (51 tuổi) hiện đang làm lao công cho một ngân hàng ở Sài Gòn. Cả hai đã chung sống được gần 10 năm. Bà là người vợ thứ hai của ông, cả hai đều đã qua một lần đò và có con riêng. Họ quen nhau khi bà nấu nướng cho một cửa hàng, nơi ông tới nhận vé số.

Đầu tháng 6 vừa qua, ông mất việc do dịch, mọi chi phí trong nhà đều đổ lên vai người vợ. Mỗi tháng bà Tương chỉ kiếm được 4,5 triệu đồng. Trong khi đó, hai vợ chồng già phải xoay xở bao nhiêu chi phí: Tiền trọ, tiền chi tiêu trong nhà. Hai con ông Vinh đều khó khăn, mà con bà Tương cũng thất nghiệp. Để có thêm tiền, mỗi ngày đi làm về bà tranh thủ nhặt ve chai kiếm thêm chút tiền.

Thương vợ phải gánh vác gánh nặng tiền bạc, ông mang xe đi chạy xe ôm. Ông rớm nước mắt kể: “Nhưng 3 ngày chạy xe ôm truyền thống, tôi có đúng một cuốc 20.000 đồng. Tôi lỗ tiền xăng, đường cùng rồi mới gạt lòng tự trọng qua một bên mà làm liều đi ăn xin. Có chết cũng không nghĩ một ngày mình phải ăn xin, quê lắm!”

Hơn một tuần nay, sáng ông thức dậy lo các việc trong nhà, rồi dắt xe ra ngồi ở góc đường Điện Biên Phủ – Bà Huyện Thanh Quan, trưa 12 giờ, ông lại ghé giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu để nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng. Dựng xe một góc, trên xe đề một tấm bảng nhỏ: “Không tiền về quê tránh dịch. Xin vui lòng giúp đỡ. Cảm ơn!”. Mỗi lần đi như vậy, ông đều giấu vợ, nói: “Tôi chạy xe ôm”.

Ảnh chụp màn hình Thanh Niên.

Ông kể với PV, mỗi ngày xin được 300.000 đồng, có ngày nhiều thì hơn 500.000 đồng, ráng một tí nữa là đủ tiền trọ tháng này, rồi mua hai cái bảo hiểm y tế cho 2 vợ chồng.

Ông Vinh nói “Về tôi không dám đưa cho vợ nhiều tiền, sợ bà ấy nghi. Tôi không biết bà ấy mà biết chồng mình làm vậy thì sẽ nghĩ sao nữa”, ông Vinh băn khoăn.

Xúc động khi được các mạnh thường quân giúp đỡ

Biết được hoàn cảnh khó khăn của ông Vinh, Nguyễn Đỗ Trúc Phương – một người chuyên làm từ thiện ở Sài Gòn, đã đến trực tiếp thăm ông và đăng tải những hình ảnh thu hút sự chú ý của mạnh thường quân.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân, Trúc Phương kể, ông vừa bật khóc vừa nói với cô: “Dịch quá, chú không còn thu nhập nữa, nhưng nhìn vợ tối đi nhặt ve chai kiếm thêm, mà không chịu được con ạ… Đi xin như vậy ngại và mắc cỡ lắm con àh, nhưng biết làm sao. Sáng mở mắt dậy là nghĩ hôm nay làm sao đóng tiền nhà. Tối cũng trằn trọc, tiền thì làm không ra…”

Trúc Phương đến trò chuyện với ông Vinh (ảnh: Facebook nhân vật).

Ngay trong tối hôm qua, Trúc Phương cho biết trên trang cá nhân, quyết định sẽ trích 150 triệu để giúp đỡ hoàn cảm của ông Vinh. Và trong chiều ngày 5/7, Phương đã đăng tải đoạn video cùng ông đến ngân hàng để nhận tiền của mạnh thường quân.

Ông Vinh xúc động, bật khóc gửi lời cảm ơn tới mọi người: “Từ hôm nay chú không phải ra ngồi xin nữa rồi con ạ. Cám ơn con và mọi người rất nhiều.” Phương chỉ biết an ủi ông và mong rằng thời gian tới gia đình nhỏ của ông sẽ đỡ khó khăn, vui vẻ hơn.