“Bỏ phố về vườn” không còn là câu chuyện lạ. Từ sau đại dịch, hàng loạt người thành thị bắt đầu tìm kiếm lối sống gần gũi thiên nhiên, thoát khỏi áp lực công việc, kẹt xe, ô nhiễm và nhịp sống vội vã. Facebook, YouTube, TikTok tràn ngập video về những ngôi nhà gỗ ấm cúng, những mảnh vườn trồng rau xanh mát, những buổi sáng không còi xe mà có tiếng chim hót.
- Đạo vợ chồng: Tình sâu nghĩa nặng trọn một đời
- Phép tắc gia đình – Gốc rễ bền sâu của văn hóa Việt
- Lai Châu: Mưa lớn gây sụt lún nghiêm trọng trên quốc lộ 4D
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài thơ mộng ấy là vô vàn thách thức mà nếu không chuẩn bị kỹ, người ta dễ “vỡ mộng” chỉ sau vài tháng đầu. Sống chậm không có nghĩa là sống dễ. Thiên nhiên không phải lúc nào cũng dịu dàng. Vậy cần chuẩn bị những gì?
Xem nhanh
Chuẩn bị tâm lý: Từ bỏ tiện nghi, sống thực tế
Cuộc sống ở nông thôn không giống một kỳ nghỉ dưỡng dài ngày. Ở đó, bạn sẽ không có máy lạnh 24/7, không có hàng quán phục vụ tận nơi, và chắc chắn không có shopee giao hàng siêu tốc. Thay vào đó là cúp điện bất chợt, mạng chập chờn, trời mưa đường lầy lội, và nhiều hôm bữa ăn chỉ có rau nhà trồng, trứng gà nhà nuôi.
Sự yên bình ở quê không giống sự nhàn hạ. Bạn sẽ phải làm nhiều việc tay chân và sống tự lập. Nếu bạn đang tìm cách “trốn chạy” khỏi thành phố vì áp lực công việc, thì việc về vườn có thể khiến bạn lạc lõng hơn.
Chị Thanh Mai (36 tuổi), từng là nhân viên ngân hàng ở Hà Nội, chia sẻ: “3 tháng đầu sống ở Đà Lạt mình sốc lắm. Đêm lạnh buốt, sáng thì mưa phùn. Mình từng không biết trồng cây nào, đất ra sao. Nhưng rồi từ những thất bại nhỏ, mình học cách sống khác. Chậm rãi hơn, ít kỳ vọng hơn, và biết ơn nhiều hơn.”
Kỹ năng lao động chân tay: Học cách “tay làm, hàm nhai”
Về vườn không đơn giản là mua đất, trồng hoa, uống trà. Bạn sẽ phải đào đất, xây hàng rào, trồng cây, tưới nước, chăm sóc vật nuôi, sửa máy bơm, thay bóng đèn. Đôi khi chỉ là một ống nước rò rỉ cũng đủ khiến bạn lúng túng cả ngày.

(Ảnh: Internet)
Nếu từng sống dựa vào các dịch vụ đô thị, bạn cần học lại kỹ năng cơ bản để “tự lo thân”. Đặc biệt, nếu muốn trồng trọt, bạn phải hiểu mùa vụ, sâu bệnh, thổ nhưỡng, phân bón hữu cơ…
Hãy học dần từ những việc nhỏ. Hãy chịu khó quan sát và lắng nghe người dân địa phương. Họ là những “người thầy” thực tế nhất.
Tài chính: Không nên dồn hết vốn vào giấc mơ
Không ít người đem hết tiền tiết kiệm để mua đất, làm nhà rồi… không còn tiền sinh hoạt. Nhiều người lầm tưởng sống ở quê là “rẻ hơn thành phố”. Nhưng chi phí ban đầu không hề nhỏ: tiền đất, xây dựng, làm điện nước, mua dụng cụ làm vườn, máy móc cơ bản, giống cây, phân bón, rồi chi phí phát sinh, dự phòng.
Bạn nên có ít nhất một khoản tài chính dự trữ đủ sống tối thiểu 6–12 tháng mà không cần thu nhập. Đừng trông đợi rằng chỉ vài tháng sau khi về vườn là bạn có thể “tự cung tự cấp”. Rau cần thời gian mọc, gà cần thời gian đẻ, và kỹ năng kiếm tiền ở quê cũng cần học lại từ đầu.
Hãy vạch rõ kế hoạch tài chính: nguồn thu nhập từ đâu? Có làm thêm online được không? Có thể bán nông sản, tổ chức workshop, làm du lịch sinh thái hay không?
Địa điểm: Chọn đúng nơi, sống đúng kiểu
Đừng chỉ vì thấy chỗ nào “đẹp và rẻ” là quyết định mua đất. Chọn nơi để sống lâu dài cần xem xét kỹ: địa lý; khí hậu, giao thông, khoảng cách đến chợ, bệnh viện, trường học, tình trạng pháp lý…
Địa điểm lý tưởng là nơi không quá biệt lập, có thể tiếp cận dịch vụ cơ bản nhưng vẫn đủ yên tĩnh để bạn thực hiện lối sống “về vườn”.
Anh Trí (42 tuổi) từng mua đất 2 hecta ở một huyện miền núi Tây Nguyên chia sẻ: “Lúc đầu thấy cảnh đẹp như tranh, mình phấn khởi lắm. Nhưng sau mùa mưa kéo dài, đường trơn, không ra khỏi nhà được, mạng yếu, vợ con đòi về lại thành phố. Cuối cùng mình phải bán lỗ để chuyển về vùng trung du có tiện ích tốt hơn.”
Pháp lý rõ ràng: Đừng để mộng thành tranh chấp
Một lỗi phổ biến là mua đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng; đất quy hoạch treo, đất chưa có sổ đỏ, hoặc giấy tờ không rõ ràng. Rất nhiều người đã rơi vào cảnh xây xong rồi mới biết… không được phép ở hoặc bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ.
Hãy luôn kiểm tra pháp lý kỹ lưỡng: đất có sổ không? Có nằm trong quy hoạch mở rộng đô thị, giao thông hay không? Có tranh chấp không? Hãy nhờ đến luật sư, văn phòng công chứng, hoặc người có chuyên môn. Đừng nghe môi giới một chiều.
Ở thử ngắn hạn: Trải nghiệm trước khi “xuống tiền”
Một trong những cách chắc chắn nhất để biết mình có phù hợp không là sống thử. Hãy thuê một căn nhà ở vùng bạn định về trong 1–3 tháng, sống như người địa phương: đi chợ gần; nấu ăn với nguyên liệu tại chỗ, làm vườn thử, xử lý tình huống bất tiện,…
Trải nghiệm thật sự khác xa kỳ vọng khi xem video YouTube. Việc ở thử giúp bạn điều chỉnh kỳ vọng; nhận ra điều gì quan trọng với bản thân và liệu mình có thực sự thích hợp với cuộc sống “bỏ phố về vườn”.
Cộng đồng và kết nối: Một mình không thể “làm vườn lâu bền”
Có một thực tế là bạn sẽ cần người hỗ trợ. Không chỉ trong kỹ thuật canh tác, mà còn là người chia sẻ, trò chuyện, tiếp sức tinh thần. Một cộng đồng tốt giúp bạn thấy mình không đơn độc, nhất là vào những ngày nản lòng vì sâu bệnh; mất mùa hay nhớ phố.

Hãy chủ động tham gia các nhóm “bỏ phố về vườn”; kết nối hàng xóm, hoặc chia sẻ hành trình của mình lên mạng xã hội để tạo cộng đồng. Khi bạn biết cho đi và chia sẻ, bạn cũng sẽ nhận lại nhiều hơn.
Bỏ phố về vườn – không phải mộng tưởng mà là hành trình trưởng thành
Về vườn không phải là trốn chạy khỏi phố thị. Nó là hành trình trở về với chính mình – học cách sống thật, làm thật, cảm nhận thật. Nếu bạn chuẩn bị đủ tâm lý; kỹ năng; tài chính và tinh thần học hỏi, thì cuộc sống ở vườn có thể không chỉ là một giấc mơ, mà là một thực tại đáng sống.