Nóng: TP. HCM thêm 213 ca; 3 bé gái đạp xe lạc 20km; Bản làng 19 năm không bia rượu, kể cả trong lễ hội cưới xin.

Cả nước thêm 260 ca

Trong 6 giờ sáng nay, cả nước thêm 260 ca. Trong đó, có 6 ca nhập cảnh. Các ca còn lại ở: TP. HCM (213), Bình Dương (11), Phú Yên (10), Long An (5), Bình Định (4), Vĩnh Long (2), Hải Phòng (2), Bắc Giang (2), Tây Ninh (2), Ninh Thuận (1), Hà Tĩnh (1), Trà Vinh (1).

Tài xế xe ôm, xe grab không được gói hỗ trợ 886 tỷ

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM cho biết, việc chi gói hỗ trợ 886 tỷ đồng sẽ được thực hiện khẩn cấp trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, đối với nhóm lao động tự do như xe ôm, grab thì không thuộc diện được hỗ trợ.

“Đối với nhóm lao đông tự do là xe ôm, xe grab thì TP. HCM không có chính sách hỗ trợ. Vì trong đợt dịch này xe ôm, xe grab vẫn hoạt động bình thường”, ông Tấn nói với VTC (Đọc tiếp).

Chính thức đề xuất tăng 15% lương hưu, trợ cấp từ đầu năm 2022

Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất Chính phủ tăng lương hưu cho 8 nhóm đối tượng. Nếu được thông qua, việc tăng lương bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Theo tính toán, sau khi điều chỉnh tăng, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995 có mức lương thấp sẽ được tăng bù thêm để đạt mức 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Chi tiết 8 nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu xem tại đây.

Đạp xe chơi, 3 bé gái lạc đường 20 km

Khoảng 17h30 ngày 1/7, khi đang tuần tra, công an xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An) thấy có 3 cháu bé với tâm trạng lo lắng. Khi được hỏi thăm, các cháu kể cùng đạp xe đi chơi từ xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu rồi lạc đến xã Hợp Thành, huyện Yên Thành. Quãng đường các cháu đi lạc khoảng 20 km. Trong 3 bé gái, một cháu 9 tuổi, một cháu 8 tuổi và cháu bé nhất 6 tuổi.

3 cháu bé đi chơi lạc đường được công an giúp đỡ về với gia đình (ảnh chụp màn hình báo Dân Trí).

Theo phía gia đình các cháu, 3 cháu là chị em họ rủ nhau đạp xe đi chơi, nhưng do đi xa quá nên không nhớ đường về. Sau đó, gia đình tỏa ra tìm kiếm nhưng không có kết quả. Trong lúc gia đình đang hoảng loạn thì nhận được điện thoại của công an xã Hợp Thành báo tin tìm thấy các cháu (Đọc tiếp).

Công nhân môi trường Hà Nội: ‘Hôm nay nhà tôi có thịt ăn rồi’

Thời gian qua, 300 công nhân thu gom rác ở Hà Nội bị Công ty Minh Quân nợ lương nhiều tháng (tổng số 4,3 tỷ đồng) khiến cuộc sống hết sức cơ cực. Nhiều người đi nhặt rác kiếm sống; luôn trong cảnh bữa đói bữa no, có người con cái phải nghỉ học…

Một niềm vui đến với 47 người có hoàn cảnh khó khăn trong số các công nhân trên khi ngày 3/7, họ được nhận quà từ báo Soha và một tổ chức thiện nguyện. Mỗi khoản tiền hỗ trợ là 5,9 triệu đồng/công nhân.

Chị Nguyễn Thị Bưởi (ảnh chụp màn hình báo Tổ Quốc).

Các công nhân rất xúc động khi được nhận quà. Chị Nguyễn Thị Bưởi kể, hai vợ chồng chị cùng làm công ty, đều bị nợ lương; những ngày qua; họ phải vay tiền để sinh sống. Vì vậy, bữa cơm có thịt thời gian qua là điều xa xỉ.

“Được nhận gần 12 triệu tiền ủng hộ, tôi sướng quá. Vậy là vợ chồng đã có tiền trả nợ cho người ta và hôm nay, nhà tôi sẽ có một bữa cơm có thịt rồi”, chị Bưởi nói. (Đọc tiếp).

Bản làng 19 năm ‘không’ với bia rượu, dù cưới xin lễ hội

Theo báo Vietnamnet, 19 năm nay, người dân ở bản Cupua (thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) không sử dụng rượu bia trong cuộc sống hàng ngày cũng như tất cả các dịp lễ lớn, nhỏ.

Tại các quán hàng trong bản, không có nơi nào bán rượu bia; chỉ toàn thấy nước ngọt. Theo người dân, người có công lớn giúp dân bản này nói không với đồ uống có cồn là ông Ê Nót.

Nhiều ngôi nhà ở bản Cupua ghi dòng chữ bản không uống rượu, bia lên các thanh xà ngang như nhắc nhở mọi người (ảnh chụp màn hình báo Vietnamnet).

Ông Ê Nót thủa trẻ vốn nghiện rượu nặng, thường xuyên đánh đập vợ con. Chỉ đến khi gia đình sắp tan vỡ vì ma men, người đàn ông này đã nhận ra tác hại của rượu bia. Không chỉ tự cai rượu thành công, ông Ê Nót còn vận động tất cả thanh niên trong bản từ bỏ thói nghiện ngập này.

Nhờ kiên trì và tự thân làm gương, ông giúp cho bản Cupua 19 năm nay không bia rượu. Cỗ bàn có làm to đến đâu, chủ và khách cũng chỉ có uống nước lọc hoặc nước ngọt.

Nhờ được đào tạo kiến thức về y tế, nên năm 2002, sau khi bỏ được rượu, Ê Nót  được dân làng giao phụ trách y tế bản; ông còn kiêm luôn chức Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Cupua (Đọc tiếp).