Tình cha – thứ tình cảm không cần nói cũng đủ đầy – là sợi dây âm thầm gắn kết suốt hành trình trở về của người phụ nữ tóc bạc. Chiếc khăn cũ bạc màu không chỉ là vật kỷ niệm; mà còn là chiếc cầu nối đưa bà trở lại những tháng ngày thơ ấu.

Qua lời kể của bậc thềm đá, cây si già và dòng sông; ký ức về người cha hiện lên chân thật, xúc động. Bài viết là một khúc tri ân lặng lẽ; là hành trình trở lại để nhớ, để biết ơn, và để không quên.

Cuộc trở về trong im lặng

Chiều hôm đó, trời đổ bóng nghiêng về phía cánh đồng xưa. Gió lùa nhẹ qua từng phiến lá cây si già; dòng sông lấp lánh ánh vàng nhạt như muốn giữ lại bước chân của người phụ nữ tóc bạc đang chậm rãi tiến về gốc cây. Trong tay bà là một mảnh khăn cũ, nhăn nhúm, bạc màu theo năm tháng. Bà không nói gì, chỉ ngồi xuống, đặt chiếc khăn lên rễ cây rồi lặng lẽ cúi đầu. Không cần lời, bởi cả ba nhân chứng ở đó – bậc thềm đá, cây si già và dòng sông – đều đã hiểu rất rõ: đó là một cuộc hội ngộ với ký ức.

Trong tay bà là một mảnh khăn cũ, nhăn nhúm, bạc màu theo năm tháng.(Ảnh: MUCwomen)

Bậc thềm đá – Ký ức của nỗi đau và sức mạnh thầm lặng

Bậc thềm đá kể: Tôi còn nhớ rất rõ buổi chiều hôm ấy. Mặt trời rọi ngang lưng người đàn ông gầy gò đang cọ rửa đồ dùng làm nông dính đầy bùn đất trên tôi. Ông vừa đi cày từ sớm, chân giẫm phải mảnh chai bể. Máu thấm đỏ đất, nhưng ông chỉ nhăn mặt, nghiến răng, không một lời rên rỉ.

Cô bé – giờ là bà cụ kia – lúc đó chỉ chừng tám tuổi, đôi chân nhỏ lấm lem đất chạy đến, khuôn mặt lo lắng. Bé ngồi thụp xuống bên ông, lấy chiếc khăn nhỏ giắt trong túi áo – đúng là chiếc khăn bà mang theo hôm nay – lau vội mồ hôi trên trán cha. Nước mắt bé rơi lã chã, thấm lên mái đầu đã ướt mồ hôi của ông. Tôi thấy lòng mình lạnh buốt. Tôi vốn cứng như đá, vậy mà hôm đó, tôi đã muốn nứt ra vì xúc động.

Lát sau, ông đứng dậy, ấn mạnh bàn chân đang rướm máu xuống tôi, vai gồng lên vác cái cày. Tôi cảm nhận trọn vẹn sức nặng đó. Không chỉ là trọng lượng cơ thể, mà là ý chí, là tình cha – ông cố đứng vững, tỏ ra mạnh mẽ để cô bé không phải sợ. Tôi biết, ông đau, nhưng ông chọn chịu đựng trong lặng im. Giống như tôi vậy, cũng chỉ biết giữ lại tất cả những ký ức ấy, không một lời than thở.

Tôi biết, ông đau, nhưng ông chọn chịu đựng trong lặng im.(Ảnh: MUCwomen)

Dưới tán si – Tình cha lặng lẽ tỏa bóng

Cây si già tiếp lời: Tôi quen bóng dáng cô bé ấy từ bé, nhất là mỗi buổi trưa mang nước và cơm nguội ra cho cha. Hôm đó, tôi thấy cô lon ton bưng bình trà xanh, tay xách cục cơm nguội trong tà áo bạc màu. Ông bảo: “Cha không đói,” nhưng tôi biết, ông đang nghĩ đến cô con gái. Nhà hôm ấy không còn gạo, nắm cơm đó là phần duy nhất trong ngày, ông nhường lại.

Khi ông rửa tay dưới gốc tôi, bùn bám đầy kẽ ngón tay. Cô bé ngẩng lên, đưa khăn lau từng chút một, cẩn thận như lau báu vật. Tôi nhìn thấy vết bẩn dính lên khăn, nhìn thấy ánh mắt lo âu của cô bé và nụ cười dịu dàng của người cha:” Có dòng sông dưới kia, sẽ gột sạch những vết bẩn này con ạ.”

Lúc ấy, tôi rùng mình. Không phải vì gió. Mà vì tôi biết, chiếc khăn ấy đâu chỉ lau tay cha – nó đang lau cả nỗi mỏi mệt, cả tấm lòng của người làm cha. Tình thương ấy, như bóng tôi – không cần hỏi, không cần trả ơn, chỉ cần che chở.

tình cha
Ông bảo: “Cha không đói,” nhưng tôi biết, ông đang nghĩ đến cô con gái.(Ảnh: MUCwomen)

Dòng sông – Ký ức thanh thản về tình cha và sự tiếp nối

Và dòng sông, lặng lẽ nhưng bao dung, kể lại đoạn cuối: Chiều ngày hôm sau, sau bữa cơm đơn sơ, người cha dắt con trâu ra bờ nước. Tôi mát lạnh, sạch sẽ – như thể cũng muốn góp chút gì đó để xoa dịu đôi chân rớm máu; rửa sạch những vết bùn cuộc đời. Ông ngồi xuống bờ, tắm cho trâu, rồi nhẹ nhàng bế cô bé đặt lên lưng nó.

Hai cha con và con trâu bước chậm rãi trên bờ đê về nhà. Tôi nhìn theo, không buồn, không vui, chỉ thấy lòng mình rộng thêm một chút. Vì tôi hiểu: nước có thể chảy đi, nhưng những điều tốt đẹp – như tình cha – thì không mất, mà thấm vào đất, vào đá; vào những điều tưởng như không nói được, nhưng luôn nhớ.

tình cha
Hai cha con và con trâu bước chậm rãi trên bờ đê về nhà. (Ảnh:MUCwomen)

Lời tri ân thầm lặng

Chiều nay, người phụ nữ tóc bạc đặt chiếc khăn cũ xuống gốc si. Không hoa, không nhang khói. Chỉ là chiếc khăn bạc màu và một cái cúi đầu. Nhưng với ba nhân chứng đã quá đỗi quen thuộc với sự im lặng – đó là một lời tri ân lớn lao nhất.

Không phải ai cũng nhớ, và không phải ai cũng trở lại. Nhưng khi ta trở lại với tất cả lòng biết ơn, thì đất, cây, nước – dù không nói được – cũng sẽ trả lời bằng một nụ cười âm thầm.

tình cha
Chiều nay, người phụ nữ tóc bạc đặt chiếc khăn cũ xuống gốc si.(Ảnh:MUCwomen)