Nóng: TP. HCM ra chỉ thị khẩn, nhiều hộ dân không được ra khỏi nhà; Nguy cơ hôm nay Việt Nam lập đỉnh dịch mới; Nông dân đổ bỏ chục nghìn lít sữa

TP. HCM ra chỉ thị khẩn, người dân một số nơi “chỉ ở trong nhà”

Thành ủy TP. HCM vừa ban hành chỉ thị 12; trong đó nêu TP sẽ siết chặt Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp cấp bách.

Chỉ thị mới có nêu: Đối với một số khu vực nguy cơ rất cao, các hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà.

Trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp người khác (trừ trường họp cấp cứu y tế).

Thành phố cũng tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh; các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Một khu vực ở TP. HCM được phun khử khuẩn. Trong ngày 22/7, TP. HCM cũng ban hành chỉ thị mới siết thêm các biện pháp phòng chống dịch
Một khu vực ở TP. HCM được phun khử khuẩn. Trong ngày 22/7, TP. HCM cũng ban hành chỉ thị khẩn để siết thêm các biện pháp phòng chống dịch (ảnh chụp màn hình báo Zing).

Chỉ những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu được hoạt động, gồm: y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ…

Nguy cơ hôm nay lập đỉnh dịch mới

Bộ Y tế sáng 23/7 ghi nhận 3.898 ca dương tính ở 21 tỉnh thành.

Trong số này, có 3.302 ca ở TP. HCM; các tỉnh có ca nhiễm tăng mạnh sáng nay là: Long An (223), Đà Nẵng (47), Bình Dương (37), Tiền Giang (37), Tây Ninh (36), Đồng Nai (33), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (23), Bến Tre (20), Ninh Thuận (19), Phú Yên (15), Hà Nội (14)…

Như vậy, số ca nhiễm sáng nay tăng 933 ca so với sáng hôm qua. Nếu theo diễn tiến tương tự các ngày trước, tổng số ca nhiễm trong ngày hôm nay có thể cao hơn hôm qua – vốn lập đỉnh ở con số 6194 ca.

Bộ Y tế hỏa tốc huy động y tế tư nhân chống dịch

Tối qua Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phát công văn hỏa tốc yêu cầu các Sở chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân chuẩn bị về nhân lực, thuốc, thiết bị y tế, cơ sở vật chất; lập kế hoạch chống dịch Covid-19 gửi Bộ.

Khi có yêu cầu tham gia chống dịch, các cơ sở này phải lập tức sẵn sàng (Đọc tiếp).

Cảnh báo cướp ở cửa hàng tiện lợi

Hàng loạt vụ cướp vừa xảy ra tại các cửa hàng tiện lợi ở TP. HCM, khiến công an TP phải khuyến cáo.

Vụ gần nhất xảy ra rạng sáng ngày 21/7 tại cửa hàng tiện lợi tại quận 8. Một nam thanh niên sau khi chọn một chai nước ngọt rồi đến quầy thu ngân. Bất ngờ anh ta rút dao, khống chế nữ nhân viên thu ngân; bắt chị phải lấy ra toàn bộ số tiền trong ngăn kéo. Sau khi lấy số tiền khoảng 9 triệu đồng, kẻ cướp bỏ đi.

Camera ghi lại hình ảnh vụ cướp ở cửa hàng tiện lợi quận 8, rạng sáng 21/7.
Camera ghi lại hình ảnh vụ cướp ở cửa hàng tiện lợi quận 8, rạng sáng 21/7.

Nhiều vụ dùng dao cướp cửa hàng tiện lợi đã xảy ra tương tự từ khi Sài Gòn bùng dịch. Đơn cử, sáng 1/7, một thanh niên khoảng 30 tuổi đã kề dao vào người nữ thu ngân cửa hàng tiện lợi tại đường Độc Lập (phường Tân Thành, quận Tân Phú). Kẻ cướp đã lấy đi 1,3 triệu đồng cùng chiếc iPhone 8S.

Xung đột nhân viên chống Covid và người dân: Chuyện buồn trong đại dịch

Những ngày qua, ghi nhận hàng loạt xung đột giữa nhân viên chống Covid-19 và người dân. Một số sự vụ được điểm trên các mặt báo.

Sáng 21/7, trong lúc cãi nhau với người dân, nhân viên CDC Hải Dương rút dao đâm người đi xét nghiệm; khiến người này bị thương vào tay.

Khoảng 14h ngày 22/7, tại chốt phong tỏa khu vực Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, 2 bảo vệ dân phố đánh shipper sau khi hai bên đôi co.

Mạng xã hội ngày 23/7 cũng đang truyền nhau một video ghi cảnh người đàn ông đạp đổ bàn của nhân viên y tế tại TP. HCM kèm theo những lời lớn tiếng.

Trong vụ ““bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu”; những lời lẽ phản cảm, xúc phạm của vị Phó chủ tịch phường ở Nha Trang với nam thanh niên cũng thể hiện mức độ xung đột căng thẳng trong giao tiếp giữa người dân và lực lượng chuyên trách.

Nhiều người cho rằng những biểu hiện gia tăng căng thẳng khi đại dịch leo thang là một “điểm tối” đáng buồn; khi mà các bên không thể kìm chế bản thân để nghĩ đến mục tiêu chung và trách nhiệm với cộng đồng.

Nông dân chua xót đổ bỏ sữa bò

Ách tắc khâu vận chuyển, nhiều nông dân, doanh nghiệp ở Sóc Trăng, Cần Thơ phải đổ bỏ sữa bò.

Ông Danh Song – một nông dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, gia đình nuôi 10 con bò; mỗi ngày cho khoảng 40 lít sữa tươi. Những những ngày qua bán không ai mua, cho hàng xóm cũng không nhận. Mỗi ngày nhà ông phải đổ đi 40 lít sữa.

Ông Danh Song ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đổi bỏ sữa bò tươi, ngày 22/7
Ông Danh Song ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đổi bỏ sữa bò tươi, ngày 22/7 (ảnh chụp màn hình VnExpress).

Ước tính, chỉ riêng 50 hộ nuôi bò ở huyện Mỹ Xuân phải đổ bỏ 1.400 lít sữa mỗi ngày.

Tại Cần Thơ, tính từ đầu tháng 7 đến nay, trang trại nuôi bò sữa của Công ty TNHH Food Farm đã phải đổ đi hàng chục nghìn lít sữa tươi (Đọc tiếp).