Nóng: Gần 5.000 ca/ngày, TP. HCM vẫn chưa đạt đỉnh dịch; Người Quảng Nam rời Đà Nẵng sau lệnh khẩn, ùn tắc hàng trăm mét.

Gần 5.000 ca/ngày, TP. HCM vẫn chưa đạt đỉnh dịch

Hôm nay, HCDC nhận định: Tại TP. HCM số ca dương tính mới còn cao; thành phố vẫn chưa đạt đỉnh dịch và có thể diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.

Nhận định của HCDC căn cứ vào số lượng ca nhiễm mới ghi nhận trong những ngày gần đây.

Điều này khiến nhiều người thêm lo ngại, bởi những ngày qua, số ca nhiễm trong ngày ở TP. HCM đã có lúc áp sát mức 5.000 ca/ngày. Cụ thể, ngày 18/7, TP. HCM ghi nhận tới 4.692 ca; riêng sáng nay 22/7 đã công bố thêm 2.433 người nhiễm.

Sài Gòn tiếp tục Chỉ thị 16

Chiều 21/7, ông Phan Văn Mãi – phó bí thư TP. HCM nói, thành phố sẽ “tiếp tục chỉ thị 16 và siết chặt ở một số địa bàn”.

Ảnh chụp màn hình báo Sài Gòn giải phóng.

Theo ông Mãi, trong ngày 22/7, lãnh đạo TP. HCM sẽ có định hướng mới cho giai đoạn thực hiện chỉ thị 16 nâng cao (Đọc tiếp).

Đường lây phức tạp ở hiệu thuốc 95 Láng Hạ – Hà Nội

Sáng nay, CDC Hà Nội công bố thêm 2 ca mắc mới là 2 mẹ con ở Thụy Khuê, liên quan đến ổ dịch hiệu thuốc 95 Láng Hạ. Từ ổ dịch này đã có 17 ca, trải rộng khắp 8 quận ở Hà Nội.

Người mẹ tên N.T.T.H – 45 tuổi và con gái 17 tuổi sống tại số 40 Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Chị H. có tiền sử đi đến hiệu thuốc tại 95 Láng Hạ, tiếp xúc các ca F0 dương tính tại đây. Sau đó, người con gái bị lây diện thứ phát.

Trong đêm qua, Hà Nội đã phong tỏa khu vực quanh nhà số 40 Thụy Khuê, lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 100 người liên quan.

120.000 đồng một ký hành, Sài Gòn không có để mua

Bà Lý Kim Chi – chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) nói trên Tuổi Trẻ về nghịch lý trong việc tiêu thụ nông sản ở TP. HCM trong những ngày qua.

Theo bà Chi, tất cả hợp tác xã rau ở các tỉnh, các đơn vị nuôi trồng thủy sản, cá tôm… đều phản ảnh đến FFA về việc bất cập trong thu mua khi hệ thống vận hành của ngành lương thực thực phẩm không chỉ nằm ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước mà nằm nhiều nhất ở các thương lái.

Bà Chi ví dụ, cánh đồng hành ở Bà Rịa – Vũng Tàu tới ngày thu hoạch không có một thương lái đến mua dù chỉ bán với giá 10.000 đồng/kg.

Trong khi đó, người dân TP. HCM khi đi chợ mua hành phải chấp nhận mua giá cao, có lúc lên đến 120.000 đồng/kg. Nguyên nhân là thương lái sợ dịch không đi mua; ngoài ra xét nghiệm liên tục, giao thông cách trở ở các điểm kiểm dịch dẫn đến chi phí vận chuyển đội giá.

Xung quanh ý kiến của bà Chi, nhiều người cho rằng, còn có các nguyên nhân khác. Đó là sự điều hành không thống nhất giữa các địa phương; khâu chỉ đạo quản lý lương thực yếu kém; lỗ hổng trong kiểm soát giá cả ở các siêu thị…

Không niêm yết giá, 4 cửa hàng bị xử phạt

Chiều 21/7, quản lý thị trường ở Đồng Nai phát hiện 4 cửa hàng Vinmart+ vi phạm quy định về niêm yết giá.

Tại chuỗi các cửa hàng Vinmart+ ở TP. Biên Hòa, đoàn kiểm tra đã phát hiện 4 cửa hàng Vinmart+ có nhiều mặt hàng, sản phẩm, đặc biệt là rau xanh, cà chua, trứng… không được niêm yết giá bán.

Nhiều sản phẩm tại các cửa hàng không được niêm yết giá bán.
Nhiều sản phẩm tại các cửa hàng không được niêm yết giá bán (ảnh báo Hà Nội Mới).

4 cửa hàng này đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản (Đọc tiếp).

Phó trưởng Công an huyện và Trưởng phòng Văn hóa đuối nước

Ông Hoàng Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Khê và bà Nguyễn Thị Tâm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, bị đuối nước tối 21/7 tại xã Phú Khê.

Bí thư xã Phú Khê nói, nạn xảy ra lúc 21h tối. Nhóm 7-8 người chèo hai thuyền ra đập thủy lợi Chắt, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê. Khi cách bờ khoảng 35 m, thuyền của ông Tuấn và bà Tâm bị lật.

VnExpress cho biết, ông Tuấn biết bơi nhưng tìm cách cứu bà Tâm nên cũng bị đuối nước. Hồ này đang tích nước, sâu khoảng 7-8 m. Khoảng 23h tối, thi thể 2 nạn nhân được tìm thấy.

Theo báo Dân Trí, chính quyền xã chưa trả lời được câu hỏi đoàn người này bơi thuyền ở đập Chắt để làm gì, có phải đang thi hành công vụ hay không.

Người Quảng Nam vội vã rời Đà Nẵng, ùn tắc dài hàng trăm mét

Tối 21/7, chính quyền tỉnh Quảng Nam phát thông báo khẩn về việc siết chặt các chốt kiểm soát dịch. Theo đó, từ 12h ngày 22/7, người từ Đà Nẵng sẽ không được vào Quảng Nam.

Dòng người ùn ùn đổ về khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam (ảnh chụp màn hình VTC).
Dòng người ùn ùn đổ về khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam (ảnh chụp màn hình VTC).

Gấp rút về quê trước giờ cấm, rất đông người dân Quảng Nam đã chạy xe rời khỏi Đà Nẵng. Điều này tạo nên cảnh ùn tắc kéo dài hàng trăm mét ngay tại chốt kiểm soát dịch đặt ở xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam – khu vực giáp ranh với địa bàn TP.Đà Nẵng.

Báo VTC tường thuật “lượng người và xe đông nghịt, hầu như không còn chỗ chen chân” (Đọc tiếp).