Nóng: Tăng đột biến – thêm hơn 2.000 ca ngoài cộng đồng; Hà Nội dừng hoạt động shipper từ hôm nay; nhà báo phản pháo tuyên bố “TP. HCM không thiếu máy thở”.
Xem nhanh
Hơn 2.000 ca ngoài cộng đồng
Theo công bố của Bộ Y tế, sau một đêm; đến sáng nay cả nước có thêm 3.987 ca ở 19 tỉnh thành; trong đó có 2.073 ca ở cộng đồng (đang điều tra dịch tễ).
Nếu so sánh với thống kê các buổi sáng trước đó; sẽ thấy mức độ tăng đột biến đáng lo ngại từ các ca cộng đồng.
Cụ thể, sáng 21/7 công bố 393 ca cộng đồng; sáng 22/7 có 181 ca; sáng 23/7 là 191 ca.
Số ca cộng đồng nhảy vọt khiến nhiều người đọc tin tức sửng sốt và sợ hãi. Một số người để lại bình luận trên VnExpress.
“Có đọc nhầm không vậy, 2.000 ca dịch tễ?”
“Choáng váng luôn với hơn 2000 ca cộng đồng”.
“Mới sáng sớm đã gần 4000 ca và hơn 2000 ca đang điều trị dịch tễ. Đọc xong chóng mặt luôn”.
“Tại sao không ghi rõ những nơi có ca nhiễm trong cộng đồng ra; để người dân biết được nơi nào có nguy cơ cao để hạn chế đi lại nơi đó?”.
Hà Nội tạm dừng hoạt động shipper từ hôm nay
Đó là ý kiến của ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói với báo Thanh Niên sáng 24/7.
Theo báo Thanh Niên, việc shipper không được nhắc đến trong Chỉ thị 17 của TP. Hà Nội tối qua; khiến cả giới shipper mà người dân cũng rất hoang mang khi không biết hoạt động giao hàng có được cho phép không.
Về việc này, ông Viện cho biết, trước mắt, theo chỉ đạo của thành phố, đối với shipper trên địa bàn thủ đô sẽ tạm dừng hoạt động. Lý do, hiện nay chưa thể kiểm soát được lực lượng shipper này và nếu không may họ đi lại “lung tung, gieo rắc dịch bệnh” sẽ rất nguy hiểm.
Theo ông Viện, người dân cần các mặt hàng thiết yếu sẽ tự đi mua về.
Hiện phát ngôn của giám đốc Sở GTVT Hà Nội đang gây tranh luận.
Đường bay TP. HCM – Hà Nội bị gián đoạn
Nhiều hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất đã phản ánh về việc Vietnam Airlines hủy các chuyến bay từ TP. HCM đi Hà Nội.
Các chuyến bay này gồm một chuyến trong ngày 22/7 và một chuyến ngày 23/7. Hành khách đã mua vé nhưng không được lên máy bay.
Phía Vietnam Airlines xác nhận sự việc này. Hãng bay nói thêm, yêu cầu hủy chuyến là từ Cục Hàng không và UBND TP Hà Nội (Đọc tiếp).
Nhà báo phản pháo tuyên bố “TP. HCM không thiếu máy thở”
Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ vừa bày tỏ quan điểm với các tuyên bố của một lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM, như: Khẳng định TP. HCM không thiếu máy thở, đủ năng lực tiếp nhận F0; Khẳng định không có ca nhiễm chéo trong khu cách ly phong toả.
Ông Vũ đặt vấn đề rằng “hàng ngàn ca F0 mỗi ngày, không ít ca đã tử vong, và chắc không ít ca chuyển từ trạng thái có triệu chứng sang nặng: vậy cứ nặng đến đâu thì máy thở được các ông không ngại khó khăn, bay đến ngay sau vài phút để cung ứng tức thời nên không thiếu?
Bao ca F0 phải ở nhà vì thiếu chỗ, lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận điều này. Chính chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng từng nói đích thân lãnh đạo Q7 gọi nhờ ông mang F0 đi, vậy ông nói “không thiếu máy thở, đủ năng lực tiếp nhận F0” thì hoá ra lãnh đạo thành phố nói sai?
Một số bác sĩ và cơ sở tuyến đầu thường xuyên kêu giúp vì bệnh nhân quá tải, bác sĩ quá sức trong khi cơ sở vật chất, đặc biệt là máy thở thiếu trầm trọng.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ nói thêm: “Chúng tôi thường xuyên nhận thông tin nơi nọ nơi kia có F0 diễn biến xấu gọi y tế không thể nào được, nhờ truyền thông lên tiếng để y tế vào cuộc cấp cứu họ gấp”.
Về khẳng định không có ca nhiễm chéo trong khu cách ly của lãnh đạo Sở, ông Vũ đặt câu hỏi: “Chính miệng các ông nói lây nhiễm chủ yếu trong khu cách ly, phong toả; vậy, lây nhiễm bằng cách nào?” (Đọc tiếp).
Kiên Giang lưu thông hàng hóa không cần đúng danh mục
Ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các chốt kiểm soát của tỉnh này “cứ xe chở hàng hóa là được qua chốt”.
Ông Thành nói: “Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác; cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân.
Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ” (Đọc tiếp).
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại bị khởi tố
Ông Chung bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch – đầu tư TP Hà Nội; được tách ra từ đại án Công ty Nhật Cường.
Cựu chủ tịch Hà Nội bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; quy định tại điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999. Hình phạt cao nhất cho tội này là 15 năm tù.
Đây là vụ án thứ 3 ông Chung bị điều tra, truy tố, xét xử.
Vụ án đầu tiên liên quan Nhật Cường; tháng 12/2020, ông Chung bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Trong vụ án thứ hai, ông Chung bị khởi tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C làm sạch hồ ô nhiễm (Đọc tiếp).
Xem thêm