Luân hồi ký sự kể về việc tu luyện của ba vị đệ tử. Chỉ khi họ làm theo yêu cầu của sư phụ, hoàn toàn buông bỏ nhân tâm mới có thể đắc Đạo, viên mãn.

Luân hồi ký sự: Từ bỏ cuộc sống giàu sang lên đường tìm Đạo

Câu chuyện này đã xảy ra rất lâu rồi, ngày tháng đã không còn nhớ rõ. Tại một thành thị sung túc và phồn hoa nọ, có ba chàng trai trẻ, sinh trưởng trong gia đình quyền quý, giàu sang. Tuy nhiên, ba chàng trai này đều giống nhau, không màng vinh hoa phú quý, hưởng lạc nơi trần gian. Họ thích cảnh thanh tĩnh, du ngoạn nơi thâm sâu núi cốc.

Khi họ đến tuổi kết hôn, cha mẹ tìm mối lái và tìm đủ cách để họ lấy vợ. Tuy nhiên, cả ba người bọn họ đều không màng đến thứ nhân tình thế thái ấy. Họ bàn bạc cùng nhau và quyết định rời nhà đi du ngoạn. Cơ duyên tu hành của họ đã đến lúc chín muồi.

Một lần, trên đường đi, họ ghé vào một tu viện nọ. Họ gặp một vị tăng nhân. Vị này khai thị cho bọn họ biết: “Hết thảy mọi thứ trần gian đều là ảo ảnh, hư vô và tan như mây khói. Chi bằng hãy tìm một vị sư phụ để cầu một biện pháp giải thoát sinh tử?” Nghe xong, ba người họ vô cùng vui mừng. Họ quyết tâm cùng nhau đi đến một ngọn núi cao, theo chỉ dẫn của vị tăng nhân kia.

Khung cảnh ở đây thật tĩnh lặng, đúng như miêu tả:
Cỏ cây xanh ngát ráng mây vàng,
Chim hót hương hoa suối reo vang;
Thân chốn đào nguyên cảnh mỹ diệu,
Nơi để tĩnh tâm cõi tu hành.

Tu luyện cố sự. Núi cốc thâm sâu là nơi các đạo sĩ, tăng nhân ẩn thân tu luyện.
Núi cốc thâm sâu là nơi các đạo sĩ, tăng nhân ẩn thân tu luyện (ảnh Pixabay)

Quỳ suốt 49 hôm thể hiện tấm lòng cầu Pháp

Trên núi cao sơn cốc tịnh mịch này có một tự viện rất đơn sơ. Họ tiến vào và gặp một vị cao nhân. Vị cao nhân này nhìn dáng bề ngoài chỉ độ ngũ tuần nhưng thực chất đã 125 tuổi rồi. Đây đúng là vị cao nhân đắc Đạo mà người tăng nhân trước đó đã khai thị. Ba người họ tiến lại gần hỏi chuyện, sau nói rõ ý nguyện muốn bái sư học Đạo.

Vị cao tăng cười nói: “Các anh thật sự có thành ý chứ?” Ba người đều đồng loạt trả lời: “Có, nếu ngài không tin, chúng tôi sẽ quỳ bảy bảy bốn mươi chín ngày trước cửa nhà để thể hiện thành tâm cầu Pháp”.

Nói xong, họ kiên định cùng nhau quỳ trước tự viện. Bất kể ngày hay đêm, gió to hay mưa bão, dù xuất hiện thú dữ hay thỏ rừng, họ đều bất động. Họ đã kiên trì quỳ đủ 49 hôm.

Vị cao tăng thấy tâm của họ thật sự chân thành nên đã thu nhận họ.

Tu luyện cố sự: người thứ nhất đã không đủ kiên nhẫn

Cao tăng dẫn ba đồ đệ vào một căn phòng, đưa mỗi người một cuốn kinh Phật rất dày. Ông yêu cầu họ chép lại, một chữ cũng không được sai. Cao tăng cũng nói rõ: chép xong có thể viên mãn.

Ba người họ bắt đầu chép kinh Phật một cách miệt mài cả ngày lẫn đêm. Ban đầu, họ thường xuyên chép sai, chép sai một chữ lại phải chép lại từ đầu. Thực ra quá trình chép kinh sách chính là quá trình tu tâm. Vừa đồng thời thanh trừ những thứ bất hảo trong mình, vừa lĩnh ngộ được Phật Pháp, vừa thăng hoa bản thân. Quá trình này cũng thể hiện rõ ý chí, định lực và cảnh giới của mỗi người.

Ngày lại ngày chỉ chép sách như thế, nhân tâm bắt đầu nổi lên. Người trẻ tuổi nhất thấy rằng vị cao tăng này không giống như anh nghĩ, không thần thông đại hiển. Không giúp anh giảng đạo lý cao thâm của tu luyện mà lại bắt làm cái việc khô khan này. Dần dần, tâm anh nảy sinh oán trách. Càng oán trách chép lại càng sai, càng thấy cuốn kinh quá dày, cảm thấy con đường viên mãn càng xa.

Cuối cùng không chịu được, anh ta đến gặp cao tăng. “Tôi thật sự không cách nào hoàn thành được việc chép kinh thư này. Tôi xuống núi để tìm phương pháp tu hành khác vậy.” Cao nhân chỉ cười, lắc đầu không nói gì.

Tu luyện cố sự: Khi trong tâm nảy sinh oán trách thì mọi thứ đều trở nên thất vọng
Khi trong tâm nảy sinh oán trách thì mọi thứ đều trở nên thất vọng (ảnh Pixabay).

Khi niềm tin không đủ cũng hủy đi con đường tu hành

Thời gian lại thấm thoát trôi đi, một năm nữa lại qua đi. Một buổi kia, anh thứ hai mang cuốn kinh sách đã chép xong mà không sai một từ, đến trước mặt sư phụ. Nhưng vị sư phụ này chỉ cười mà không nói gì. Vị đệ tử nhìn xung quanh, thấy rất nhiều trang giấy bỏ trống. Một cảm giác giống như bị “lừa” xuất hiện. Ngay lập tức, anh ta nghi ngờ vị cao tăng này không phải người đắc Đạo, cao thâm gì. Anh ta còn oán trách cả vị tăng nhân trước đã giới thiệu. Anh ta oán hận nhìn vị sư phụ một lúc rồi bỏ xuống núi. Vị cao tăng vẫn chỉ mỉm cười, lắc đầu mà không nói gì.

Còn lại người anh cả không vì sự ra đi của hai người kia mà dao động. Anh vẫn miệt mài chép kinh. Khi anh mang tập chép tay không sai một lỗi đến, vị sư phụ cũng không nói gì. Anh cũng nhìn thấy bên cạnh sư phụ còn nhiều tập giấy trắng. Anh không nổi tâm gì mà tiếp tục cầm những tập giấy về chép tiếp.

Cứ tiếp tục chép, chép xong mang đến cao tăng vẫn cười; không oán không hận anh lại chép tiếp. Chép mãi đến lần thứ 30, anh đã phát hiện trong suốt quá trình chép đó, sự lý giải đối với Phật Pháp trong anh đã ngày càng thâm sâu. Nội hàm trong Pháp không ngừng tuôn trào, nội tâm cũng đồng thời thanh tịnh. Anh đã minh bạch ra một điều: chính là chiểu theo yêu cầu của sư phụ mà làm, tất cả đều có được trong sự vô cầu.

Luân hồi ký sự: vị đệ tử duy nhất đắc Đạo thành tiên

luân hồi ký sự: Khi trong tâm thản đãng, tĩnh lặng như nước, chính là đạt đến cảnh giới vô lậu.
Khi trong tâm thản đãng, tĩnh lặng như nước, chính là đạt đến cảnh giới vô lậu (ảnh Pixabay)

Anh bắt đầu trân quý cơ hội tu luyện này. Thời gian thấm thoát mười mấy năm trôi qua nhưng vẫn tựa như một ngày. Anh vẫn miệt mài ghi chép, cuối cùng đạt đến viết thuộc lòng, không sai một chữ. Đến khi, tất cả những tập giấy trắng bên cạnh sư phụ đã hết sạch nhưng nhìn sư phụ vẫn chỉ thấy mỉm cười.

Cũng chẳng oán chẳng than, một nhân tâm cũng không có. Anh cầm lên một que gỗ nhỏ rồi gạt lớp cát mịn trên mặt đất, viết xuống đó một đoạn kinh Phật. Viết xong, anh lại gạt đi, lại viết tiếp đoạn khác. Cứ như vậy, trong tâm anh thản đãng viết. Anh cảm tạ sư phụ đã cho anh một cơ hội tốt, giúp anh không ngừng lĩnh ngộ  được nội hàm thù thắng bên trong kinh Phật.

Một lần khi anh đang viết, sư phụ anh mỉm cười bước đến. Khác mọi lần, lần này sư phụ nói: “lần này thì được rồi đấy”. Sư phụ nói xong, mặt đất đột nhiên nở ra hàng vạn đóa sen. Pháp nhạc mỹ diệu vang lên giữa không trung. Chính thời khắc ấy, trong tâm anh cũng không xao động, tĩnh lặng như nước. Bởi vì, cảnh giới của anh đã đạt đến tiêu chuẩn vô lậu rồi. Khi biết mình đã đắc Đạo, viên mãn, anh vẫn bất động tâm. Anh thấy sư phụ triển hiện rất nhiều thần thông trước mắt mình. Sau đó anh và sư phụ cùng nhau bay lên trời xanh.

Phần kết:

Đọc qua loạt bài về luân hồi ký sự sẽ giúp chúng ta hiểu về con đường tu luyện của các tăng nhân xưa. Tu luyện là điều trân quý nhất bởi đó là con đường tìm kiếm sự vĩnh hằng của sinh mệnh. Đồng thời, chúng ta cũng hiểu được tu luyện là nghiêm túc và thù thắng. Phải khổ luyện, kiên tính chính niệm, bất kể điều gì cũng không lay động mục đích của mình. Khi đạt đến trạng thái vô lậu, vô chấp trước, đó mới là cảnh giới của người đắc Đạo chân chính.

Nguồn: Theo Chánh Kiến