Y bác sĩ được phát cơm hộp với suất ăn 120.000 đồng/ngày; nhưng chẳng may nhiễm Covid-19, họ bị chuyển sang ăn chế độ bệnh nhân, là 80.000 đồng/ngày.
Ngoài nghịch lý về chuyện miếng ăn, hàng loạt vấn đề bất cập khác đang khiến cho nhân lực ngành y tham gia chống dịch kiệt sức, hoặc xuống tinh thần.
Xem nhanh
Vừa chống dịch, vừa lo “lấy gì để ăn, để cho con đi học”
Hiện cả nước có gần 180.000 nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch; nhiều người đã bị nhiễm Covid-19, có người tử vong.
Bài phản ánh trên báo Tiền Phong cho thấy, dù phải làm việc với cường độ gấp nhiều lần so với ngày thường; gặp nhiều rủi ro nhưng thu nhập của nhân viên y tế đang giảm mạnh.
“Chúng tôi chỉ còn được lãnh lương cứng theo quy định của Nhà nước, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm đã giảm đến 75%”, chị Nguyễn Thùy Linh (Bệnh viện Dã chiến số 12) nói.
Theo chị Linh, dù dốc tâm sức để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng đến giờ này ai cũng lo; nhiều người đang gánh trên vai cả gia đình với nhiều miệng ăn; chưa kể họ phải trả thêm tiền thuê nhà…
“Lấy gì để ăn, để cho con đi học, để trang trải cuộc sống trong những ngày tới nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đang là bài toán vô cùng khó”, chị nói.
Bác sĩ Vũ Hồng Quân (Bệnh viện Quân dân y Miền Đông) cùng đồng nghiệp đang điều trị hơn 500 bệnh nhân Covid-19 kể, ông thấy mình còn may mắn hơn nhiều bác sĩ trẻ. Dù thu nhập của ông bị giảm một nửa, giờ lãnh lương 5,6 triệu/tháng; trong khi các bác sĩ trẻ nhận lương 3,1 triệu đồng.
Một nữ nhân viên y tế tại TP. Thủ Đức nói: Chúng tôi vượt qua khó khăn là nhờ nguồn thực phẩm hỗ trợ từ các mạnh thường quân.
Nếu không có họ giúp sức thì chẳng biết làm sao. Nhưng tình hình đang căng hơn vì nguồn hỗ trợ cạn dần.
Ở góc độ vĩ mô, nhiều giám đốc, nhà quản lý tại các bệnh viện ở TP. HCM lo lắng nói với báo giới rằng, họ đang dốc những nguồn dự trữ còn lại để duy trì trả lương cơ bản cho nhân viên. Tuy nhiên, nguồn tiền tự chủ sắp cạn; trong khi gói hỗ trợ chưa chuyển đến các bệnh viện.
Chẳng may nhiễm bệnh, bị giảm tiền ăn
Trong một động thái của Bộ Y tế, mới đây Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có công văn đề nghị tăng cường hỗ trợ nhân viên y tế chống dịch.
Nội dung công văn này phần nào cho thấy, Bộ Y tế đã nhìn tới vấn đề là nhân viên y tế đang chịu rất nhiều bất hợp lý. Trong đó, một số điểm được chỉ ra trong văn bản.
Về công việc
Mỗi y bác sĩ phụ trách số lượng người bệnh quá lớn, 140-150 bệnh nhân, khiến chất lượng điều trị và chăm sóc bị giảm sút. Họ thường xuyên phải trực cấp cứu 12 giờ mỗi ngày nếu được điều động tăng cường. Kết thúc công việc chuyên môn, nhân viên y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính; có ngày lên đến 12 giờ.
Ăn uống và sinh hoạt
Hàng ngày nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn 120.000 đồng một ngày.
Khẩu vị không được điều chỉnh cho lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc khiến họ khó ăn, không đảm bảo sức khỏe chống dịch.
Đáng nói, những nhân viên y tế chẳng may bị lây nhiễm được điều chuyển lên khu người bệnh thì suất ăn của họ cũng chuyển sang tiêu chuẩn của người bệnh là 80.000 đồng một ngày. Tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh càng thêm suy sụp.
Tinh thần
Ngoài ra, lực lượng an ninh, quân sự đã kiểm tra nghiêm khắc với lực lượng y tế mỗi khi họ ra ngoài mua thêm đồ ăn uống bổ sung (yêu cầu nhân viên y tế mở túi đồ để kiểm tra). Điều này ảnh hưởng đến đời tư, tinh thần của nhân viên y tế.
Bộ Y tế đề xuất giải pháp gì?
Trong công văn thứ trưởng Sơn ký, có đề ra một số giải pháp.
– Các đơn vị đã rút nhân viên ra khỏi bệnh viện dã chiến cần lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, đảm bảo quân số, tránh tạo áp lực công việc lên các nhân viên y tế còn lại.
– Đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, không để nhân viên làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ.
– Hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn.
– Đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền.
– Các trường hợp nhân viên y tế không may mắc Covid-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày. Không áp dụng chế độ của người bệnh dành cho nhân viên y tế.
– Đề nghị lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong điều trị đối với nhân viên y tế; tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế.