Lối sống thành thị vô cảm bao nhiêu năm trong tôi, nó dường như đã thành thói quen. Mà theo như lời người ta hay nói, là nó đã “ăn vô máu” rồi, không cảm thấy lạ lẫm gì nữa. Tôi có lẽ đã không mảy may thay đổi, nếu đã không gặp chị sáu “nhà quê”Hàng xóm mấy ngày tựa như một thuở.

Kể ra cũng là cái duyên, tôi là dân Sài Gòn sống bao nhiêu năm nơi phồn hoa đô thị. Từ nhỏ đã quen nhà ai nấy ở, chẳng thiết quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh. Hàng xóm của tôi cũng là kiểu người như vậy; lúc nào cũng là không nhạc thì phim, ít nghe tiếng người, chỉ có âm thanh, cứ ồn ào náo nhiệt. Họ sống im lìm, mờ nhạt và khép kín.

Cánh cửa nhà cũng vậy, không khi nào mở ra hết cỡ, đến trưa mới nghe thấy tiếng rục rịch. Mà cửa chỉ hé tạm, đủ để đẩy một chiếc xe và lách người đi ra mà thôi. Bao nhiêu năm như thế, riết rồi thành ra quen; sát vách nhà mà không ai nói chuyện với ai câu nào.

Rồi một buổi sáng, tôi bất ngờ khi thấy sân nhà hàng xóm đã quét sạch sẽ từ sớm; trong nhà lại có tiếng trẻ con cười đùa chạy giỡn, cứ rầm rập giòn tan. Tôi tò mò cầm vòi nước tưới hoa trên tay mà ngó nghiêng xem chuyện gì lạ vậy?

Hàng xóm mấy ngày tựa như một thuở

Bỗng phía trước có người phụ nữ lạ bước ra nhìn tôi, cười nói một cách thân mật như quen nhau từ hồi năm nào không biết, chị ta rôm rả:

“Cô tư em đi Đài Loan có công chuyện rồi, vợ chồng em ở dưới quê lên coi nhà giùm”; chị ấy vừa nói vừa cười rất tự nhiên, “Chị thứ mấy,… em kêu cho nó tiện”.

Tôi trong bụng vừa mắc cười vừa nghĩ, đúng là nhà quê. Mà thật là lúc đó tôi thấy có gì đó vui vui; cái không khí bỗng thân quen, gần gũi giữa 2 người hoàn toàn xa lạ. Thôi thì người ta có lòng, mình cũng không thể mất lịch sự, tôi đáp:

“Tui thứ ba, còn,……..”.

Tôi chưa kịp hỏi lại thì người phụ nữ ấy đã nhanh miệng đáp:

“Dạ, chế ba,… em kêu vậy cho nó thân mật nha”. “Mấy đứa đâu rồi, ra mẹ biểu coi”. Cô ta lớn tiếng gọi với kêu mấy đứa nhỏ trong nhà, rồi nói tiếp. “Em thứ sáu, nhà em có 3 đứa,.. thằng Tèo, con Mót với đứa út là con Đẹc”, “Nè, hàng xóm của Bác tư đó mấy đứa. Cô ba, chào cô ba đi con,…”.

“Dạ, con chào cô ba”, ba đứa nhỏ khoanh tay gật đầu rất lễ phép, đứa thì quần ống xoăn ống xổ; đứa thì đầu tóc bù xù không gọn gàng do đang đùa giỡn. Tôi cũng cười giả lả đáp lại, không hiểu sao lúc đó trong lòng tự nhiên thấy vui vui.

Vậy là quen nhau, nó đơn giản như vậy. Tôi bỗng dưng bồi hồi đến lạ khi nghe cô ấy gọi “chế ba à, chế ba ơi,……”.

Tâm tình người nhà quê

Tôi bồi hồi vì không ngờ mình lại có thể làm thân với một người nhanh chóng như vậy. Như thể cái bản tính dè dặt, nghi kỵ của người Sài Gòn chưa từng là thói quen của tôi vậy.

Chiều hôm đó anh trai đi làm về, tôi hớn hở kể lại: “Nhà hàng xóm tạm đổi chủ; mắc cười lắm anh 2, dân nhà quê, nhà quê chính hiệu luôn. Nhưng mà cũng dễ thương lắm, y chang trong phim”.

Vì vậy mà tôi thấy yêu họ, thấy vui vui dù đôi lúc cũng bực mình vì cái tính nói nhiều, và cái tật “chuyện gì cũng lo”.

Tôi thấy “mắc mệt” khi cứ mỗi chiều chiều ra trước nhà; là lại thấy chị vợ cùng 3 đứa nhỏ ngồi ngay cửa ngóng trông. Hỏi chờ gì thì chị ta nhoẻn miệng cười,… “Em chờ ảnh về ăn cơm”.

Hàng xóm mấy ngày tựa như một thuở, bát canh đạm bạc gợi nhớ người phương xa;

Tôi cau mày tỏ vẻ khó hiểu, quay bỏ vô nhà trong lòng nghĩ: “Đói thì cứ ăn, chờ đợi chi phiền phức, cầu kỳ, đúng là nhà quê”.

Rồi tôi một mình bới cơm cho thằng cháu con của anh trai ăn. Xong sau đó nó dán mắt vào cái TV. Còn tôi thì ngồi xuống trước mâm cơm, nghe vách bên kia tiếng chén đũa khua nói chuyện cười rôm rả, ngay cả tiếng cạy cơm cháy cũng vui. Tôi bỗng dưng nhớ đến người mẹ quá cố, nhớ đến lúc hai anh em còn nhỏ, cũng vui như vậy. Từ ngày lớn lên, mẹ mất, anh thì có gia đình và công việc bận bịu. Bữa cơm gia đình trọn vẹn đối với tôi đã không còn có lại được nữa.

Tình làng nghĩa xóm

Từ ngày có hàng xóm mới, tôi phát hiện vách ngăn giữa hai ngôi nhà quá mỏng; tiếng cười đùa rôm rả của họ cứ như là đang ở trong nhà của tôi vậy. Họ bật cải lương suốt, toàn là những vở xưa thiệt là xưa.

Đôi lúc tôi giật mình khi nghe anh chồng ca vót theo những câu xuống giọng mùi mẫn của Minh Cảnh, giọng người miền Tây thật là ấm. Rồi nhiều khi cũng mắc cười, vì chị vợ đòi “bẻ họng” một nhân vật nào đó trong tuồng cải lương, vì người đó đóng vai phản diện, chia cắt mối tình của Kim Tử Long với Ngọc Huyền.

Quét sân cũng hát, lau nhà – nấu cơm, thậm chí cho mấy đứa nhỏ ngủ trưa chị vợ cũng hát. Không bài nào có đầu có đuôi hết, toàn nhớ câu nào hát câu đó; nhưng giọng khàn khàn rất ấm, rất mộc mạc.

Từ khi có láng giềng mới, tôi phát hiện bản thân mình hay bị ngạc nhiên, mà toàn là những chuyện đâu đâu. Có lần, chị vợ làm tôi không biết phải trả lời thế nào, chỉ biết cười giả lả cho qua.

Có khi chị ta hỏi: “Đầu xóm ai gả con mà xôm tụ vậy chế ba?”, hay là “Cuối hẻm ai chết chế biết không, nghe trống kèn gì mà quá trời quá đất”.

Tôi thật không quan tâm, vì sống nơi này có ai tới lui với ai đâu mà biết với không biết. Khi thấy tôi cười trừ tỏ vẻ không biết; chị vợ trố mắt: “Chung xóm mà chế không biết thiệt hả, ngộ vậy kìa”.

Sáng bữa sau ra quét sân gặp mặt, là chị vợ kể một mạch cho tôi nghe về thông tin của gia đình người chết, còn nói là:

“Chiều nay ảnh về, em để ảnh coi mấy đứa nhỏ, em chạy xuống dưới phụ nấu đám một chút. Tội nghiệp, nhà họ đơn chiếc, bếp núc không ai lo, tiền bạc cũng không có, khổ!”

Bát canh đạm bạc

Tôi im lặng ngẩn ngơ, và đó là cách duy nhất tôi có thể biểu hiện khi ấy. Ngạc nhiên hơn nữa, khi một buổi chiều chị vợ “bưng” sang cho tôi với anh trai tô canh bí rợ hầm nước cốt dừa, tôi thật là hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Nhìn tô canh bí, chưa ăn mà đã thấy ngon, thấy ngọt trong bụng làm sao.

Hàng xóm mấy ngày tựa như một thuở, bát canh đạm bạc gợi nhớ người phương xa;
“Hàng xóm mấy ngày tựa như một thuở, bát canh đạm bạc gợi nhớ người phương xa”.

Khi tôi qua nhà chơi, thấy mớ rau lang luộc bên cạnh mẻ kho quẹt, tiêu xanh và tốp mỡ. Nhìn cảnh mấy đứa nhỏ nhà chị vợ ăn mà thấy thương; đúng là không khí này làm cho tôi nhớ đến ngày xưa mà thoáng buồn.

Ăn xong, tụi nhỏ lấy mấy con cào cào thắt bằng lá dừa đã héo trong giỏ ra chơi, vô tư rủ đứa cháu của tôi vào cái hội ồn ào của tụi nó, chạy nhảy trước sân, rần rần như chưa được chơi trốn tìm bao giờ vậy,………

Tôi mừng muốn rớt nước mắt, vì từ đó tới giờ tôi chưa bao giờ thấy bữa nào cháu mình dứt ra được cái TV, mà vui chơi một cách lành mạnh như vậy, nghe tiếng tụi nhỏ đếm 5, 10, 15, 20,….. mà thấy ấm lòng.

Nhớ người phương xa

Mỗi ngày gặp nhau hỏi thăm vài câu, tôi biết được hai vợ chồng ở dưới quê cũng nghèo: Nhà lá, vách đất, ruộng ít, vườn hẹp,…..mỗi lần trời mưa chị vợ cứ hay chống tay lên cằm; nhìn lên trời với vẻ mặt lo lắng: “Mưa kiểu này chắc chìm đìa quá ak!”. (dưới quê người ta gọi cái ao là “cái đìa”).

Buồn chưa được 5 phút, chị lại cười tươi nói với anh chồng: “Mà mưa này chắc bông súng nó vượt lên nhiều, sang tuần anh về coi bứt lên đi bán nghen. Nhớ chừa lại vài cọng, em nấu canh lá giang cua đồng cho con Đẹc nó ăn”.

Mỗi lần anh chồng về quê lên là chị vợ lại sang cho mớ khoai lang, củ chuối, vài khúc mía và mấy con cua đồng.

Biết nhau chỉ hơn 1 tháng, mà tôi tưởng chừng như là họ láng giềng gần một thuở.

Hàng xóm cũ vẫn chưa về, căn nhà ấy vẫn rôm rả tiếng cười vui. Nhưng mỗi lần nghĩ đến mọi việc rồi sẽ trở lại như xưa, tôi lại thấy buồn trong lòng làm sao.

Một ngày mùa Hạ, khi nắng đã vắt quá nửa cửa sổ, tôi cầm chổi ra trước sân quét lá. Nhìn nhà cạnh bên, cửa đóng then cài im bặt, bỗng tôi thấy nhớ nhớ cái mùi vị canh bí hầm, nhớ cái cách nói chuyện “lăn xả” của chị sáu hàng xóm một thuở.

Tôi nhìn những chiếc lá đang rơi, hít sâu một cái… rồi thở dài và cảm thấy có chút dư vị bùi ngùi trong tâm!

Xem thêm: