Tình yêu thương con trẻ đã khiến hàng trăm người dân bản ở huyện Yên Châu (Sơn La) xuống suối nhặt từng viên sỏi rồi cõng về, xây lên ngôi trường đẹp như mơ giữa vùng cao.

Nhiều người đã thốt lên những lời cảm thán khi ngắm nhìn điểm trường Nà Khoang, huyện Yên Châu qua video đăng trên báo VnExpress. Nhìn từ trên cao, toàn cảnh ngôi trường như một đóa hoa rừng khoe sắc rực rỡ; còn đi vào trong lớp học, sẽ thấy đây là một cơ sở giáo dục đầy đủ trang thiết bị, sạch sẽ không kém ở thành phố.

Ngôi trường xây từ sỏi dưới suối
Toàn cảnh ngôi trường nhìn từ trên cao.

Điểm trường Nà Khoang có diện tích 1.200 m2, nằm ở xã Tố Nang, huyện Yên Châu. Đây là nơi các bé từ lứa tuổi mầm non đến các học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo học. Trước đây, điểm trường gồm 4 lớp học bằng tranh lá, quanh năm mưa dột, cơ sở vật chất thiếu thốn. Điều kiện sinh sống giảng dạy, học tập của thầy cô và trò nơi đây rất khổ cực.

trường xây bằng sỏi

Nhờ mạnh thường quân đóng góp, một quỹ thiện nguyện với số tiền 1,5 tỷ đồng đã được lập để xây dựng ngôi trường mới. Người đứng ra thiết kế ngôi trường là kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào. “Ngôi trường lấy cảm hứng như đóa hoa, thiên nhiên núi đồi. Mỗi mái nhà có độ nghiêng khác nhau như điệu múa đa dạng, nhịp nhàng. Mỗi một khoảng lớp tách ra làm một khoảng trống, kết hợp với sân chơi, vườn cảnh, gắn với thiên nhiên’, kiến trúc sư Thúc Hào cho biết.

Đây là nơi các cháu học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 học tập.
trường xây bằng sỏi

Ngôi trường được xây bằng gạch tự đóng, với vật liệu phụ trợ rất đặc biệt là hàng vạn viên sỏi đủ dạng kích thước nhặt từ dưới suối. Những viên sỏi này do bà con dân bản xung quanh trường tình nguyện xuống suối nhặt và chuyển lên điểm xây dựng.

Một góc ngôi trường được xây từ sỏi.

Cô Nguyễn Thu Hà – hiệu trưởng trường tiểu học Tú Nang (điểm trường Nà Khoang) xúc động kể. “Từ điểm trường đến con suối có sỏi là khoảng 5 km. Mỗi lần đi nhặt sỏi, có khoảng hơn 100 hộ tham gia. Việc chuyển sỏi lên cũng rất khó khăn, hoàn toàn phải dùng sức người. Sỏi sẽ được cho vào các bao tải và mọi người cõng, vác về đến điểm trường”.

Để có được sỏi xây trường, hàng trăm hộ dân đã nhiều ngày xuống suối, nhặt rồi gùi vật liệu đặc biệt này lên điểm trường (các ảnh chụp từ video báo VnExpress).

“Bà con lúc đầu còn chưa hiểu, nhưng sau thấy từng vệt tường sỏi được mọc lên thì vô cùng thích thú và nhiệt tình. Bà con huy động cả xóm thôn ra góp sức xây dựng, và khi hoàn thành họ rất vui mừng khi thấy công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng”, kiến trúc sư Thúc Hào kể.

Mọi người còn vui thích hơn khi lớp học được đưa vào sử dụng đã thể hiện rõ khả năng ‘điều hòa’ thời tiết. Mùa đông lớp học ấm hơn, mùa hè thì mát hơn so với nhiệt độ bên ngoài sân khoảng 4-5 độ C.

Ngôi trường khang trang không kém dưới thành phố.

“Từ lúc có ngôi trường mới, việc dạy và học của cô và trò rất tốt”, cô Trần Thị Thanh Hòa – hiệu trưởng trường mầm non Sao Mai (điểm trường Nà Khoang) cho biết.

Thêm nhiều nữa những ngôi trường mơ ước

Cũng tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, năm 2019, Điểm trường Bó Mon ở xã Tú Nang đã được đưa vào sử dụng và được đánh giá cao bởi sự độc đáo trong kiến trúc. Giống như điểm trường Nà Khoang, đây cũng là một công trình xã hội hóa được xây dựng với nguồn kinh phí hạn hẹp.

Điểm trường Bó Mon (ảnh: Designboom)

Theo báo Người Đồng Hành, ngôi trường có tổng diện tích 237 m2, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2019.

Dù ít vốn nhưng ngôi trường với kiến trúc đặc biệt đã khiến nhiều tạp chí kiến trúc quốc tế như Archdaily, Designboom ca ngợi.

Điểm trường được thiết kế và xây dựng từ năm 2018, để dành tặng gần 70 trẻ em và 1 giáo viên cắm bản là người dân tộc H’Mông ở 3 bản Bó Mon, Cayton, Cô Tông. Các KTS của Kien Truc O đảm nhiệm phần thiết kế cho công trình đặc biệt này.