Hóa ra chẳng cần kẻ thứ ba nào tới, chẳng cần vấn đề kinh tế, đôi khi sự đổ vỡ lại chính những cái xem như lặt vặt trong hôn nhân, có mấy ai để ý, mấy ai mà ngờ…

Anh và chị có một tình yêu thật đẹp, gắn bó với nhau từ những năm tháng còn là sinh viên đại học. Sau khi ra trường được 3 năm thì anh hỏi cưới chị. Mối tình ấy được ủng hộ bởi cả hai bên gia đình. Chị xúng xính váy áo về làm vợ anh. Nhà chồng chị có điều kiện nên cho vợ chồng chị miếng đất để làm vốn an cư, lập nghiệp.

Cuộc sống hôn nhân vui vẻ và ấm áp. Chị luôn cảm thấy may mắn vì gặp gỡ, có duyên nợ với anh. Bạn bè chị, không phải ai cũng được như thế. Nhiều người trong số các bạn chị đã đi đến bước đường ly hôn.

Chị biết ơn anh vì nhờ duyên lành với anh mà gia đình an ổn. Chị từng nghĩ rằng, sẽ chẳng có gì có thể khiến anh chị xa nhau. Thế nhưng, chị làm sao ngờ rằng, hôn nhân không đơn giản. Nhiều khi những mối nguy to không rớt trúng nóc nhà chị, nhưng những giọt mưa nhỏ giọt lại khiến căn nhà đó thấm dột, lâu dần cũng hỏng.

Hôn nhân cần lắm sự thấu hiểu và bao dung

Mọi chuyện bắt đầu từ lúc chị bầu bé thứ hai, tâm tính thay đổi. Cùng lúc đó, anh lên chức, công việc bộn bề hơn. Giai đoạn này, anh phải chứng tỏ năng lực nên vắng nhà nhiều.

Có hôm chị đuối quá, than thở với chồng vài câu, anh sẵn đang áp lực nên buông thõng: “Em mệt thì nghỉ làm đi, ở nhà nuôi con. Lương em ba cọc ba đồng, chỉ lo mỗi tiền ăn hàng tháng cho nhà mình. Em nghỉ cũng chẳng sao cả”.

Chị tự ái. Sao anh có thể nghĩ chuyện chị nghỉ việc thì chẳng sao? Đúng là lương chị chẳng thể so với lương anh; nhưng chị luôn tự hào dù số tiền đó ít ỏi. Từ câu nói của anh, chị bắt đầu nghĩ ngợi.

Hôn nhân cần lắm sự thấu hiểu và bao dung
Mọi chuyện bắt đầu từ lúc chị bầu bé thứ hai, tâm tính thay đổi.

Anh có thời gian chừng đó năm để phấn đấu cho sự nghiệp. Còn chị, mấy năm trời chị lo cho gia đình. Dù chị có giỏi thì cũng khó lòng thăng tiến khi nghỉ thai sản và con mọn liên tiếp.

Anh không hiểu cho chị, lại còn coi thường thu nhập của vợ. Tối ấy, chị bực mình, chẳng muốn nấu cơm cho anh. 9 giờ tối anh về, uể oải vì cuộc họp căng thẳng. Mở nồi cơm thấy trống rỗng, anh buông câu trách móc. Chị sẵn cơn ấm ức trong người, xả ra một lèo nỗi giận hờn.

Đôi khi sự đổ vỡ lại chính những cái xem như “lặt vặt” trong hôn nhân

Họ kết thúc những bực bội, dằn hắt nhau sau khi anh ra khỏi nhà. Đêm đó anh không về, mặc vợ bầu ở nhà. Chị thì khóc cả đêm, tự thấy chồng sao mà vô tâm, thay đổi.

Cũng vì giận, cuối tuần đó anh không về đám giỗ bố vợ. Chị giận lắm, sau này, dù nguôi ngoai những chuyện cũ, thì cứ mỗi lần đến phiên nhà anh có lễ lạt, giỗ chạp, chị cũng dằn hắt: “Ngày đó giỗ bố tôi, anh còn không về cơ mà…”

Cứ thế, những chuyện nhỏ nhỏ làm cho mâu thuẫn vợ chồng ngày càng lớn dần. Chị sinh con, một mình xoay xở tới khi có thể gửi con đi nhà trẻ. Tưởng rằng rồi sẽ ổn, nhưng những ấm ức vẫn chưa chịu dừng.

Đôi khi sự đổ vỡ lại chính những cái xem như “lặt vặt” trong hôn nhân
Xưa nay người ta cứ nghĩ phải có lý do thật lớn mới ly hôn. Thế nhưng… (ảnh minh họa internet).

Chị chán chường vì cả năm anh chẳng thể đưa đón con một ngày; chẳng quan tâm bài vở hay việc đi họp phụ huynh cho con. Anh thì mệt mỏi bởi chuyện chị hay càu nhàu, chuyện họ hàng nội ngoại hai bên; chuyện cái vòi nước rỉ hoài mà anh chẳng thay…  “Toàn là chuyện vặt vãnh mà cứ nói hoài, nhức đầu“, anh hay nhắn cho chị cái tin như vậy. 

Những chuyện ấy, quả là cũng có bé, có vặt vãnh, nhưng nỗi thất vọng về anh lâu ngày như thanh sắt rỉ, làm hao mòn tình cảm hai vợ chồng. Chị đau lòng vì anh vô trách nhiệm; còn anh đau lòng vì những lời trách giận, cứ như anh là loại đàn ông vứt đi…

Cuối cùng thì cũng tới lúc chị và anh ly hôn. Xưa nay người ta cứ nghĩ phải có lý do thật lớn mới ly hôn. Hóa ra những cái xem như “lặt vặt” trong hôn nhân, có mấy ai để ý, mấy ai mà ngờ lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ…