“Tôi chỉ mong không có cuộc gọi, tin nhắn xin quan tài vì không muốn bà con mình lại có người mất, nhất là mất vì dịch bệnh”; “Món này không ai muốn tặng, chẳng ai muốn nhận. Khi nghe các gia đình nói lời cảm kích, tôi thấy xót xa lắm”, anh Triết, chị Thảo – những người tặng quan tài ở Sài Gòn chia sẻ.

Quan tài 1.000 đồng để nhẹ lòng người sống

Theo báo Tuổi Trẻ, anh Trần Anh Triết (ngụ quận 4, TP. HCM) – phó tổng giám đốc công ty đấu giá dầu khí, kiêm giám đốc hợp tác xã vận tải, thời gian qua gắn bó với việc xin quan tài cho người nghèo qua đời, trong đó có bệnh nhân tử vong vì Covid-19.

Anh Triết cho biết, từ hồi đầu dịch, anh cùng nhóm bạn thân của mình đã làm từ thiện để giúp đỡ những người khó khăn. Mọi người không nhận tiền quyên góp từ người lạ mà trong nhóm ai có gì thì góp ấy. Dự án miễn phí quan tài cho người nghèo mất được nhóm của anh triển khai khoảng nửa tháng nay.

Anh Triết (trái) tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với bà con để vượt qua đại dịch
Anh Triết (trái) tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện; chia sẻ khó khăn với bà con để vượt qua đại dịch (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).

“Nhiều người thắc mắc sao không cho luôn đi, chứ có 1.000 đồng lấy làm gì. Thật ra là quan tài 0 đồng, nhưng tôi nói 1.000 đồng để thân nhân người mất không cảm thấy mắc nợ mà thôi”, anh Triết giải thích với Tuổi Trẻ.

Mỗi khi nhận được thông tin các trường hợp cần giúp đỡ áo quan, nhóm sẽ phân công người đến vị trí đó. “Tôi hay đi các quận 1, 3, 4, 8, huyện Nhà Bè. Còn ai thuận đường qua các quận khác thì đăng ký đi trao”, anh Triết nói.

Nhận được nhiệm vụ, anh lái xe bán tải cá nhân đến một xưởng gỗ lấy áo quan. Gỗ, ván để đóng quan tài là do các bạn trong nhóm anh tài trợ. Đặt áo quan lên xe, anh lấy thêm chiếc túi đựng xác nữa rồi chạy tới nơi đang cần.

Anh Triết (mặc đồ bảo hộ) cùng đồng đội đến trao quan tài miễn phí và tẩm liệm cho người có hoàn cảnh khó khăn qua đời
Anh Triết (mặc đồ bảo hộ) cùng đồng đội đến trao quan tài miễn phí (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).

Đưa quan tài tới nhiều nơi, anh Triết gặp nhiều hoàn cảnh rất đau lòng. Có gia đình người mẹ qua đời, nhà chỉ toàn con nít; may mắn người dân địa phương đến hỗ trợ đưa quan tài người mất tới nơi hỏa táng.

Mới khoảng nửa tháng, nhóm của anh Triết đã trao 60 quan tài miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn qua đời; trong đó có hơn một nửa là bệnh nhân mất vì Covid-19.

“Trao xong người ta vừa khóc vừa cảm ơn mà mình xót xa lắm. Tôi chỉ mong không có cuộc gọi, tin nhắn xin quan tài vì không muốn bà con mình lại có người mất, nhất là mất vì dịch bệnh”, anh chia sẻ.

“Mong không phải tặng cho ai nữa”

Ngoài nhóm của anh Triết, Sài Gòn hiện có nhiều nhóm giúp miễn phí quan tài, lo hậu sự cho người dân thành phố, như nhóm của ông Đoàn Ngọc Hải, nhóm của sư thầy Khánh Lê.

Trong bài viết về nhóm thiện nguyện của sư thầy Khánh Lê, báo Zing cho biết, đến nay các thành viên đoàn thiện nguyện vẫn liên tục kết nối với các mạnh thường quân, nhận áo quan từ các xưởng gỗ và chuyển về 2 điểm tập kết tại Chùa Vô Ưu và nhà chung ở huyện Củ Chi.

Khi có người liên hệ, nhóm sẽ cử 2-3 thành viên chuyển quan tài tới tận nhà, không lấy thêm bất cứ khoản phí nào và tặng thêm một phần lương thực cho gia đình người mất.

Khoảng 1-2 tiếng sau khi nhận điện thoại, các thành viên đoàn thiện nguyện thầy Khánh Lê sẽ vận chuyển áo quan tới cho các gia đình có người nhà mất vì Covid-19 miễn phí.
Ảnh chụp màn hình báo Zing.

Trong quá trình tặng quan tài, các thành viên nhóm chứng kiến rất nhiều câu chuyện, hoàn cảnh xót xa. Một câu chuyện được dẫn trên bài viết của Zing.

“23h ngày 16/8, khi đang nghỉ ngơi tại điểm tập kết cùng các thành viên đoàn thiện nguyện, chị Trương Thị Thu Thảo (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bất chợt nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ.

“Cho tôi hỏi, nhóm chị còn hỗ trợ áo quan mai táng không? Vợ tôi mất rồi, mất vì Covid-19…”, đầu dây bên kia nghẹn ngào.

Chị Thảo khựng lại vài giây, rồi nhỏ giọng đáp lời: “Chúng tôi sẽ chuyển tới nhà anh sớm nhất có thể. Xin chia buồn với gia đình”

Theo Zing, vài tuần qua, đoàn thiện nguyện mà chị tham gia nhiều lần nhận những cú điện thoại tương tự.

“Thú thực, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải đi tặng món này. Những ‘món quà’ này chẳng ai muốn tặng và không ai muốn nhận. Nghe các gia đình nói lời cảm kích, tôi thấy xót xa lắm”, chị Thu Thảo chia sẻ.

Từ Khóa: