Trong công văn Bộ Y tế gửi Sở Y tế các tỉnh, thành vào ngày 4/9 cho biết, có hiện tượng người hành nghề y tự ý bỏ vị trí công tác (nhân viên y tế nghỉ việc), không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công, không đảm bảo nhân lực chống dịch Covid-19.

Cụ thể, theo báo VnExpress, đầu tháng 8, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đảm bảo duy trì khám chữa bệnh thường quy, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, vẫn có “người hành nghề y tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công”.

Vì vậy, ngày 6/9, Bộ đề nghị các Sở Y tế bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, có phương án bố trí nhân lực phù hợp, dự phòng tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế.

Đối với y bác sĩ có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch cũng như hoạt động khám chữa bệnh, cần biểu dương, khen thưởng; đồng thời giám sát, chấn chỉnh quản lý người hành nghề y tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

“Các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế, sẽ bị xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề”, theo Bộ Y tế.

Giữa đại dịch Covid-19, nhân viên y tế nghỉ việc được không?

Liên quan vấn đề trên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Đoàn luật sư TP. HCM cho biết được báo Thanh Niên đăng tải, thủ tục nghỉ việc và kỷ luật nhân viên y tế công lập phải áp dụng theo luật Viên chức.

Theo luật này, thì viên chức được quyền đơn phương chấm dứt lao động trong một số trường hợp cụ thể: Với viên chức ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì chỉ cần tuân thủ về thời gian báo trước (45 ngày). Với viên chức ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp, trong đó có “Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng”, và cũng phải báo trước cho tổ chức ít nhất 30 ngày. Theo đó, nhân viên y tế họ có quyền xin nghỉ việc theo quy định của luật này.

Tuy nhiên, theo luật sư Hưng, nếu việc nghỉ việc của viên chức nhằm trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao là hành vi vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật và không giải quyết cho nghỉ việc.

“Do đó, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ Y tế phải huy động và kêu gọi đội ngũ y tế từ các vùng ít dịch đến hỗ trợ các địa phương tâm dịch, như là một nghĩa vụ về y đức của ngành, nên ai đó vì lý do muốn giữ an toàn cho cá nhân mà xin nghỉ việc vào thời điểm này là chưa phù hợp.

Tất nhiên, cũng sẽ có những trường hợp đặc biệt vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình thì việc họ xin nghỉ việc là chính đáng, không thể kỷ luật hay lấy lý do khác luật để cản trở quyền của họ được”, luật sư Hưng phân tích.

Báo VnExpress thông tin thêm, thời gian qua đã có những mất mát với y bác sĩ tuyến đầu. Theo thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, từ đầu đại dịch năm 2020 tới ngày 9/8, có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, 3 người tử vong gồm 2 tại TP. HCM, 1 Bình Dương, trong cuộc chiến chống Covid-19.