Nhìn bầy khỉ nhanh thoăn thoắt chạy lại lấy chuối viện trợ, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến ngay bộ phim gắn bó với một thời tuổi thơ “Tây Du Ký”.

Trong tiểu thuyết Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt ra từ tảng đá; tính tình hung bạo, trải qua gian khổ tu luyện, trừ bỏ bản tính yêu ma mới đắc đạo được Phật quả.

Theo Phật giáo và Đạo giáo, loài vượn và khỉ vốn tính lăng xăng, nhảy nhót, leo trèo, không chịu ngồi yên; tượng trưng cho tâm con người cũng xao động, nghĩ đến này nhớ đến chuyện kia; dao động giữa thiện và ác, giữa thiên đường và địa ngục chỉ trong chớp mắt. Tác giả Ngô Thừa Ân cũng thường dùng từ “tâm viên” (tâm của loài vượn) để nói về Tôn Ngộ Không.

Khỉ cũng đã nhiều lần xuất hiện trong các câu chuyện cổ của Phật gia với những ý nghĩa sâu sắc. Câu chuyện: Chúa khỉ mò trăng (Viên hầu tróc nguyệt) là một trong những câu chuyện như thế.

Mời quý độc giả xem video:

Nguồn video: pinterest.

Câu chuyện: Bầy khỉ mò trăng (Viên hầu tróc nguyệt)

Chuyện kể về bầy khỉ 500 con sinh sống trong một khu rừng và lập nên một quốc gia riêng. Con khỉ đầu đàn là Viên hầu vương, là chúa của tất cả. Trong vương quốc khỉ đó có một cây du da lớn. Cạnh gốc cây có một cái giếng sâu thẳm, nước lặng tờ, uống vừa mát vừa ngọt.

Tối nọ, một con khỉ ngó đầu nhìn xuống đáy giếng rồi hét toáng lên rằng: Trăng rơi xuống giếng mất rồi. Chết mất thôi!

Cả đàn xúm lại xôn xao lo lắng. Viên hầu nói cả bầy phải cùng nhau vớt trăng lên; không thể để thế gian chìm trong đêm tối được.

Cả đàn nghe khỉ chúa nói liền đồng thanh rối rít, hăng hái nắm đuôi nhau thành một chuỗi dài; choe chóe bảo nhau níu cho chắc, túm thật chặt. Nhưng cái giếng sâu hun hút, chúng nối mãi vẫn chưa đến nơi.

Video: Bầy khỉ thích thú thi nhau chạy đến nhận chuối viện trợ

Bỗng nhiên cành cây nhỏ quá không tài nào chịu nổi nên gẫy luôn. Cả bầy khỉ rơi tùm xuống đáy mà chết.

Cả bầy khỉ chết oan chỉ vì mải miết kiếm tìm ảo ảnh của chính mình

500 con khỉ trong câu chuyện trên không có trí tuệ để phân biệt đâu là thực và đâu là hư; cứ tưởng hư là thật, coi ảo là thật, rồi ngoan cố đuổi theo ảo tưởng đó; thậm chí còn xúi giục mọi người tìm kiếm ảo ảnh của chính mình; kết thúc cuộc sống của chính mình dưới đáy giếng.

Phật gia cho rằng cõi người là một cõi mê, và những lợi ích “hiện thực” bày ra trước mắt con người thực ra chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng hay không, có người tin và cũng có người không tin. Nhưng có một điều mà ai cũng phải đồng ý rằng: danh vọng, tiền tài, quyền lực, tình yêu,… không thể mang theo khi chết.

Nếu chúng ta tranh giành chúng, lãng phí tâm trí và tạo ra nhiều nghiệp ác; thì có khác gì bầy khỉ mò trăng đáy nước?