Nuôi dạy con hiệu quả là một trong những công việc khó khăn nhất nhưng cũng đem đến cho cha mẹ nhiều hạnh phúc nhất.
Dưới đây là 9 mẹo nuôi dạy con hiệu quả cái giúp bạn cảm thấy chu toàn hơn trong vai trò làm cha mẹ.
Xem nhanh
1. Giúp con tự giác
Ngay khi còn rất nhỏ, trẻ đã bắt đầu phát triển ý thức về bản thân khi chúng nhìn thấy mình qua ánh mắt của cha mẹ. Giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và mọi biểu hiện của bạn đều được trẻ tiếp thu. Lời nói và hành động cha mẹ ảnh hưởng đến lòng tự trọng đang phát triển của trẻ hơn bất cứ điều gì khác.
Việc khen ngợi thành tích, dù nhỏ, sẽ khiến trẻ cảm thấy tự hào. Để con làm mọi việc một cách độc lập khiến trẻ cảm thấy có khả năng và mạnh mẽ. Ngược lại, việc cứ mãi chê bai hoặc đem trẻ ra so sánh trẻ với bạn bè cùng trang lứa khác sẽ khiến trẻ cảm thấy mình vô dụng.
Bố mẹ hãy tránh nói những lời dễ làm tổn thương trẻ. Những lời nói kiểu như: “Con đã làm một điều thật ngu ngốc!” hoặc “Con đã làm một việc còn trẻ con hơn cả em của con nữa!” gây sát thương không hề nhẹ cho tâm hồn của trẻ.
Hãy lựa lời mà nói với trẻ một cách cẩn thận và từ bi. Hãy cho con biết rằng ai cũng mắc lỗi và bạn vẫn yêu chúng; ngay cả khi bạn không thích những hành động sai trái của con.
2. Khen trẻ ngoan
Bạn đã bao giờ nhìn lại mình và suy nghĩ về việc bạn đã phản ứng tiêu cực với con bao nhiêu lần trong một ngày? Bạn có thể thấy mình thường chỉ trích nhiều hơn so với khen ngợi. Bạn cảm thấy thế nào khi sếp của bạn nói với bạn những lời tiêu cực đến mức đó, ngay cả khi họ có ý tốt?
Hãy khuyến khích trẻ làm đúng điều gì đó: “Con đã tự dọn giường mà không cần mẹ phải nhắc – con thật là ngoan!”. oặc “Mẹ đã xem con chơi với em và con đã rất kiên nhẫn.” Những lời khen này sẽ khích lệ những hành vi tốt của trẻ về lâu dài hơn là những lời mắng mỏ lặp đi lặp lại.
Hãy tìm điểm gì đó của trẻ để khen ngợi mỗi ngày. Hãy hào phóng với phần thưởng dành cho trẻ – là tình yêu, là những cái ôm hoặc là những lời khen ngợi có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu.
3. Đặt ra giới hạn và nhất quán với kỷ luật
Kỷ luật là cần thiết trong mỗi gia đình. Mục tiêu của việc kỷ luật là giúp trẻ lựa chọn các hành vi có thể chấp nhận được và học cách tự kiểm soát. Trẻ cần những giới hạn đó để trở thành người trách nhiệm khi trưởng thành.
Thiết lập các quy tắc trong nhà giúp trẻ hiểu được mong đợi của bạn cũng như phát triển khả năng tự chủ. Một số quy tắc có thể bao gồm: không xem TV cho đến khi làm xong bài tập về nhà và không được phép đánh hoặc trêu chọc gây tổn thương.
Một sai lầm phổ biến của cha mẹ là không tuân theo kỷ luật do chính mình đặt ra. Bạn không thể kỷ luật trong hôm nay còn hôm sau thì không. Hãy kiên định dạy trẻ những gì bạn mong đợi.
4. Dành thời gian cho con
Thời nay cha mẹ và con cái thường khó quây quần bên nhau trong bữa ăn gia đình chứ chưa nói đến việc dành thời gian chất lượng cho nhau. Nhưng có lẽ trẻ không thích gì hơn việc được ở bên cạnh chuyện trò cùng cha mẹ. Hãy dậy sớm hơn 10 phút vào buổi sáng để bạn có thể ăn sáng cùng con. Hoặc cứ việc để bát đĩa vào bồn rửa và đi dạo sau bữa tối cùng con. Những đứa trẻ không nhận được sự chú ý mà chúng muốn từ cha mẹ sẽ thường hành động hoặc cư xử sai để bản thân được cha mẹ chú ý nhiều hơn.
Nhiều cha mẹ thấy thật bổ ích khi sắp xếp thời gian ở bên con. Hãy tạo một “đêm đặc biệt” mỗi tuần để ở bên nhau và để con bạn giúp quyết định cả nhà sẽ làm gì vào khoảng thời gian đó.
Trẻ vị thành niên dường như ít cần sự quan tâm của cha mẹ hơn trẻ nhỏ. Vì có ít cơ hội để cha mẹ và thanh thiếu niên gặp nhau hơn, cha mẹ nên cố gắng hết sức sẵn sàng khi con bày tỏ mong muốn được trò chuyện hoặc tham gia vào các hoạt động gia đình. Tham gia các buổi dã ngoại, trò chơi và các sự kiện khác với con để thể hiện sự quan tâm và giúp bạn hiểu thêm về con mình và bạn bè của con.
5. Hãy trở thành một hình mẫu tốt
Trẻ nhỏ học được nhiều điều về cách cư xử khi quan sát cha mẹ. Khi con càng bé, con càng nhận được nhiều tín hiệu từ bạn. Trước khi bạn la mắng hoặc đánh đòn trẻ, hãy nghĩ về điều này: Đây có phải là cách bạn muốn con mình cư xử khi tức giận không? Hãy lưu ý rằng con trẻ luôn nhìn vào bạn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ đánh bạn thường có hình mẫu về sự hung hăng ở nhà.
Bạn muốn thấy những điểm nào ở con thì hãy làm gương cho con, ví dụ như : tôn trọng, thân thiện, trung thực, tốt bụng, khoan dung. Thể hiện hành vi không ích kỷ. Làm những việc cho người khác mà không mong đợi báo đáp. Bày tỏ lời cảm ơn và khen ngợi. Hãy đối xử với con theo cách mà bạn mong đợi người khác đối xử với mình.
6. Ưu tiên giao tiếp
Bạn không thể mong đợi trẻ làm mọi việc đơn giản là vì bạn đã nói như vậy. Chúng muốn và đáng được giải thích nhiều như người lớn. Nếu cha mẹ không dành thời gian giải thích, trẻ sẽ bắt đầu thắc mắc về giá trị và động cơ của chúng ta.
Cha mẹ hãy giải thích với con và làm rõ kỳ vọng của bạn. Nếu có vấn đề, hãy mô tả vấn đề đó. Hãy bày tỏ cảm xúc của bạn và bảo trẻ cùng tìm cách giải quyết. Cha mẹ muốn nuôi dạy con hiệu quả, hãy cùng trẻ đưa ra đề xuất và đưa ra các lựa chọn. Hãy cởi mở với những đề xuất của con. Hãy đàm phán. Khi trẻ được tham gia vào các quyết định, chúng sẽ có động lực hơn để thực hiện chúng.
7. Linh hoạt và sẵn sàng điều chỉnh cách nuôi dạy con cái của bạn
Nếu bạn thường cảm thấy “thất vọng” trước hành vi của con, có lẽ bạn đang có những kỳ vọng không thực tế. Những bậc cha mẹ nghĩ về “điều nên làm” (ví dụ: “Con tôi bây giờ nên tập ngồi bô”) có thể thấy hữu ích khi tìm đọc những bài về vấn đề này hoặc nói chuyện với các cha mẹ khác hoặc các chuyên gia phát triển trẻ em.
Môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của trẻ. Vì vậy bạn có thể thay đổi hành vi của trẻ bằng cách thay đổi môi trường. Nếu con bạn 2 tuổi và bạn thấy mình thường xuyên nói “không” với con, hãy tìm cách thay đổi môi trường xung quanh để có ít thứ vượt quá giới hạn. Điều này sẽ ít gây bực bội hơn cho cả hai bên.
Khi con bạn thay đổi, bạn sẽ dần phải thay đổi cách nuôi dạy con của mình. Rất có thể, những gì phù hợp với con bạn bây giờ sẽ không còn hiệu quả trong một hoặc hai năm nữa.
Thanh thiếu niên có xu hướng ít nhìn vào cha mẹ mà học theo bạn bè nhiều hơn. Tuy nhiên, hãy tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích trẻ tự lập hơn, nhưng vẫn phải kỷ luật thích hợp. Để nuôi dạy con hiệu quả, cha mẹ hãy nắm bắt mọi khoảnh khắc để kết nối với con!
8. Chứng tỏ rằng tình yêu của bạn là vô điều kiện
Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm nuôi dạy và uốn nắn con mình. Nhưng cách bạn hành động khi con trẻ làm sai điều gì đó, nếu không khéo léo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.
Khi bạn phải đối mặt với con, hãy tránh đổ lỗi, chỉ trích hoặc tìm lỗi. Những điều này làm giảm lòng tự trọng và có thể dẫn đến oán giận. Thay vào đó, hãy cố gắng nuôi dưỡng và khuyến khích, ngay cả khi kỷ luật con. Hãy chắc chắn trẻ biết là mặc dù bạn muốn và mong đợi tốt hơn vào lần sau; nhưng tình yêu của bạn vẫn ở đó cho dù thế nào đi nữa.
9. Biết nhu cầu và hạn chế của chính bạn
Đối mặt với sự thật – bạn là một bậc cha mẹ không hoàn hảo. Bạn có những điểm mạnh và điểm yếu. Nhận ra khả năng của bạn – “Tôi yêu thương con và tận tâm.” Nhưng cũng ẵn sàng khắc phục những điểm yếu của bạn – “Tôi cần phải kiên định hơn với kỷ luật.” Hãy cố gắng có những kỳ vọng thực tế cho bản thân, vợ/ chồng và con bạn. Hãy tha thứ cho chính mình và khoan dung với các thành viên khác trong gia đình.
Hãy cố gắng biến việc nuôi dạy con hiệu quả trở thành một công việc đem đến cho bạn hạnh phúc và không quá áp lực. Tập trung vào những điều cần chú ý nhất thay vì cố gắng giải quyết tất cả mọi thứ cùng một lúc. Khi cảm thấy kiệt sức hãy nghỉ ngơi và dành thời gian cho bản thân mình để những điều khiến bạn hạnh phúc.
Tập trung vào nhu cầu của bạn không khiến bạn trở nên ích kỷ. Điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là bạn quan tâm đến hạnh phúc của chính mình. Đây là một giá trị quan trọng khác để bạn làm gương cho con.
- Sức cảm hóa từ tấm gương của cha mẹ trong giáo dục trẻ nhỏ
- Văn hóa trên bàn ăn và những quy tắc trẻ cần học
- Dạy con những kỹ năng sống theo cách cha mẹ Nhật Bản
- Nuôi dạy con thông minh với 4 câu hỏi đơn giản mỗi ngày
- Hôn nhân hạnh phúc: 8 quy tắc “giữ lửa” tình cảm vợ chồng
- Tờ 5 đô mang thông điệp “Bạn được yêu thương, bạn tuyệt vời, bạn mạnh mẽ”