Nếu hiểu và tránh được 3 tai hoạ đời người “Nhân bại do lười biếng, sự bại do kiêu ngạo, gia bại do hoang phí” thì sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.

Người xưa thường nói “Tam bất hủ” tức là có 3 điều không bao giờ hư mất. Điều đó có nghĩa là một người có thể lập đức, lập công và lập ngôn. Từ cổ chí kim, người thật sự có thể làm được 3 điều trên chỉ có 3 người là: Khổng Tử, Vương Dương Minh và Tăng Quốc Phiên.

Tăng Quốc Phiên đã đúc kết ra kinh nghiệm đời người rồi viết thành sách để khuyên răn con người. Trong đó có một câu thế này: “Nhân bại do lười biếng, sự bại do kiêu ngạo, gia bại do hoang phí“. Đây là những điều rất then chốt để quyết định một người có thể thành tài hay không. Đồng thời nó cũng đặt nền móng cho sự suy thịnh của một gia đình.

Tại sao nói “nhân bại do lười biếng”?

Tăng Quốc Phiên là một vị quan lỗi lạc dưới thời nhà Thanh. Vốn dĩ từ thuở nhỏ ông không hề thông minh; ông tham gia các kỳ thi nhưng không đỗ đạt gì; thậm chí trong kỳ thi hương đầu tiên ông đã bị một vị quan mắng là ngu xuẩn. Nhưng quyết tâm không từ bỏ, ông kiên trì thi lại đến lần thứ 7 thì mới đỗ tú tài.

Ông còn là người con trưởng và cháu đích tôn của cả dòng họ. Từ khi sinh ra đã phải chịu áp lực rất lớn của gia tộc.Với an bài hoàn cảnh như vậy nên không cần nói cũng có thể hiểu được những trăn trở của ông. Tự nhận thấy bản thân có phần kém hơn người khác về mặt trí tuệ; ông chỉ có thể cần cù bù thông minh. Quả thật, sự tiến bộ của ông cũng dần dần theo thời gian và cứ thế kiên trì dùi mài kinh sử suốt mười mấy năm.

Vì sao nói “nhân bại do lười biếng”
Trong khó khăn, cần cù chịu khó, đi từng bước từng bước chầm chậm vượt qua, tự nhiên sẽ cải thiện bản thân. (Ảnh minh họa: Internet)

Tăng Quốc Phiên cũng thường dặn con cháu: “Trong khó khăn, cần cù chịu khó, đi từng bước từng bước, chầm chậm vượt qua, tự nhiên sẽ cải thiện bản thân“. Hằng ngày, tất cả con cháu của ông đều phải quét dọn sân vườn. Từ nhỏ đến lớn họ đều không được làm biếng.

Có câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Phải bỏ ra công sức thì mới có ngày thu hoạch. Nếu chỉ nghĩ đến việc đến đi đường tắt hoặc khôn lỏi; thì đến lúc nào đó sẽ bị phát hiện mà thôi.

Sự nghiệp thất bại chính ở tính kiêu ngạo

Trong kinh dịch có giảng rằng: “Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục dã”. Câu này có thể hiểu ý nói về người quân tử cần lấy thái độ khiêm tốn để giữ mình; tự tu dưỡng bản thân và luôn đặt mình ở vị trí thấp hơn người khác. Làm được điều đó mới gọi là người chính nhân quân tử.

Bởi vi một người có công lao, danh tiếng lớn đến đâu nhưng vẫn luôn giữ được tính khiêm tốn, cẩn trọng; cách cư xử khiêm nhường với mọi người xung quanh, không phân biệt kì thị người thấp hèn thì chắc chắn sẽ được nhiều người quý mến, kính nể.

Ngược lại người mà sau khi đạt được chút công danh, thành công trong sự nghiệp thì bắt đầu có thái độ kiêu căng, ngạo mạn. Người luôn cho rằng bản thân tài giỏi. coi thường người khác thì dù giỏi dang tới đâu cũng khó được mọi người nể phục. Đây chính là khởi đầu cho sự thất bại trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống.

Sự nghiệp thất bại chính ở tính kiêu ngạo
Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Dân gian có câu “thùng rổng kêu to”. Câu này khá dễ lý giải; những ai thường cho mình giỏi dang hơn người thường sẽ có thái độ khác thường và coi khinh người. Biểu hiện dễ thấy luôn làm điều chứng minh tài năng của mình để áp đảo người khác. Tuy nhiên, khi tĩnh lặng một chút ta dễ nhận ra những người giỏi có tài thật sự thường biểu hiện không hề nổi trội. Do đó người xưa cũng có câu “chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”.

1 trong 3 tai hoạ đời người đó là “gia bại do hoang phí”

Tư Mã Quang từng nói câu: “Quân tử đa dục tắc tham mộ phú quý, uổng đạo tốc họa; tiểu nhân đa dục tắc đa cầu uổng dụng; bại gia tang thân“. Ở góc độ nghĩa bề mặt có thể hiểu ý nói rằng bậc quân tử mà ham muốn nhiều thì sẽ trọng vật chất và dễ bị sa ngã; còn kẻ tiểu nhân mà có nhiều ham muốn thì sẽ truy cầu phú quý, hậu quả là tán gia bại sản, thậm chí dẫn đến mất cả tính mạng.

Người xưa thường nói “lòng tham con người là vô đáy”; câu này quả là diễn đạt chính xác về dục vọng và lòng ham muốn. Chỉ có những ai trọng đức tin thần, hiểu rõ nhân quả mới thấy đủ mới biết đủ. Mọi thứ đều có hạn nên biết tiết kiệm trong cuộc sống và chi tiêu hợp lý. Sự hoang phí chính là coi nhẹ sức lao động của bản thân và người khác dành cho mình. Hoang phí chính là thiếu trách nhiệm với chính mình, gia đình và xã hội.

3 tai hoạ đời người: nhân bại, sự bại, gia bại là do đâu?
Một người hoang phí lâu ngày sẽ chìm đắm trong u mê thỏa dục vọng khó mà tự thoát ra. (Ảnh minh họa: Internet)

Một người lười biếng thì sẽ không có chí tiến thủ. Một người kiêu ngạo sẽ không hiểu đạo lý về đối nhân xử thế. Và một người hoang phí lâu ngày sẽ chìm đắm trong u mê thỏa dục khó mà tự thoát ra.

Biết được 3 tai hoạ đời người này và sự nguy hại của nó; chúng ta sẽ thay đổi để có cuộc sống tốt hơn và không để rơi vào bế tắc.