Xông hơi là một phương pháp chữa bệnh dân gian giúp giải độc cơ thể, đem lại hiệu quả cao; được nhiều người áp dụng trong mùa đông. Vậy khi sử dụng phương pháp này, cần lưu ý những điều gì để tránh nguy hiểm cho sức khỏe?
Xem nhanh
Tác dụng của xông hơi trong trị bệnh
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), đây là một phương pháp chữa bệnh, giải độc cơ thể đem lại hiệu quả cao; sử dụng những loại lá thuốc dễ kiếm, đun trong nồi nước to. Hơi nước từ nồi nước xông bốc lên có tác dụng làm giãn nở mạch máu, kích thích lưu thông khí huyết; đồng thời ,thúc đẩy việc đào thải hàn khí ra ngoài theo tuyến mồ hôi.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết: “xông hơi đem lại nhiều lợi ích trong chữa bệnh, phục hồi sức khỏe; nhất là với những người có hệ miễn dịch suy yếu do cảm cúm, cảm lạnh, người mệt mỏi, đau nhức do ảnh hưởng từ thời tiết, sự tấn công của virus, vi khuẩn… Phương pháp xông hơi giúp bạn hồi phục sức khỏe mà không cần uống thuốc. Đây là một kinh nghiệm chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe được Đông y ghi nhận từ lâu đời; được thế giới áp dụng rộng rãi”.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh “Xông hơi có tác dụng giải cảm đặc biệt hiệu quả”. Sức nóng từ hơi nước cùng tinh dầu của các loại thảo dược, sẽ giúp giãn nở mạch máu, lưu thông khí huyết, thúc đẩy đào thải khí độc ra ngoài. Bên cạnh đó, phương pháp này còn khiến làn da trở nên mềm mại; tình trạng đau đầu, chóng mặt cũng nhanh chóng biến mất.
Những lưu ý quan trọng khi áp dụng phương pháp xông hơi
Mùa đông, xông hơi được nhiều người áp dụng để trị bệnh. Nhưng, áp dụng như thế nào cho đúng; để tránh nguy cơ bị bỏng gây nguy hiểm tính mạng, thì không phải ai cũng nắm rõ. Theo chuyên gia, trước khi thực hiện bạn cần nắm rõ những lưu ý quan trọng sau đây:
Không phải lúc nào cũng có thể xông hơi
Xông hơi bằng lá, giúp người bệnh nhanh khỏi; nhưng không phải lúc nào cũng tiến hành xông được. Chuyên gia khuyến cáo, đối với người bị nhiễm lạnh vào mùa đông, chỉ nên xông bằng lá 1-2 ngày đầu để giải cảm. Vì khi bị nhiễm lạnh, gió độc đang nằm dưới da, khi xông trong 1-2 ngày đầu, sẽ giúp đẩy khí độc thoát ra ngoài. Nhưng đến ngày thứ 3 trở đi, nếu vẫn còn tình trạng cảm lạnh; nghĩa là đã bị nhiễm sâu vào bên trong; lúc này xông hơi không có tác dụng giải cảm nữa. Nên áp dụng các phương pháp giải cảm khác.
Tránh nhiệt độ tăng đột ngột khi xông hơi
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, nhiều người có thói quen mở hết vung nồi xông ngay lập tức, khi ngồi trước nồi để giải cảm. Thói quen này vô cùng tai hại. Nó khiến cơ thể bị mất nước, do bị đổ mồ hôi nhiều. Không kiểm soát được lượng mồ hôi, khiến cơ thể nhanh chóng bị mất nước. Khi đó, cảm lạnh, cảm cúm chưa khỏi, mà bạn còn có nguy cơ bị trụy tim mạch, tụt huyết áp, đột quỵ… Ngoài ra, thói quen mở vùng nồi xông hết cỡ, khiến lượng khí nóng cực mạnh bốc lên ồ ạt có nguy cơ khiến bạn bị bỏng, rất nguy hiểm. Bạn nên mở nồi xông từ từ, he hé nồi; sau một thời gian nước đỡ nóng thì mở hẳn vung nồi ra.
Nhiệt độ và thời gian
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, có nhiều người cho rằng xông hơi ngay khi nồi nước sôi vừa bắc ra khỏi bếp mới tốt- đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm. Điều này, dễ dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt, bỏng nặng bất ngờ… Thời gian xông kéo dài cũng không tốt; vì khi nước đã nguội sẽ không còn khả năng đẩy hàn khí ra khỏi cơ thể nữa; thậm chí khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh. Nhiệt độ xông cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 7-8 độ C là đảm bảo; và không được xông quá 30 phút.
Những người tuyệt đối không được áp dụng biện pháp xông hơi
Xông hơi để giải cảm là bài thuốc dân gian hiệu quả, rẻ tiền; với những loại lá xông có sẵn quanh ta. Tuy nhiên, không phải cứ thấy người đau mỏi, cảm cúm, cảm lạnh là có thể áp dụng phương pháp này được. Lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo, xông hơi không áp dụng với những người: bị bệnh huyết áp, tim mạch, mắc bệnh ngoài da, phụ nữ mang thai, những người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều, mới ốm dậy thể trạng còn yếu, người cao tuổi, trẻ em, người có biểu hiện tâm thần…Ngoài ra, những người bị suy nhược cơ thể, người mệt mỏi sau khi uống rượu… tuyệt đối không được áp dụng biện pháp này; vì có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ, thậm chí tử vong nhanh chóng.
Không được tắm ngay sau khi xông
Nhiều người có thói quen sử dụng luôn nồi nước xông để tắm sau khi xông xong. Về việc này, chuyên gia cho biết, việc tắm ngay sau khi xông khiến lỗ chân lông đang giãn nở gặp lạnh sẽ bị bít lại, không thoát nước ra được. Điều này, khiến cơ thể dễ bị cảm trở lại, thậm chí bị cảm nặng hơn, máu huyết cũng bị lưu thông chậm. Sau khi xông, nên dùng khăn khô sạch lau người; và ít nhất 6 giờ sau mới được tắm.
Không nên xông hơi liên tục
Xông hơi có tác dụng giải cảm tốt, nên nhiều người hễ thấy thân thể mệt mỏi, bị cảm cúm, cảm lạnh là nghĩ ngay đến việc áp dụng. Điều này thật sự không tốt. Theo Đông y, mồ hôi là một loại tân dịch, là một dạng của âm huyết. Huyết và khí nương nhau. Nếu ra quá nhiều mồ hôi, khiến tổn thương âm huyết và hao hụt cả dương khí. Cơ thể sẽ bị mất nhiều dưỡng khí (năng lượng); bên cạnh đó, nó còn có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch.Theo chuyên gia, không nên áp dụng phương pháp này liên tục; mỗi tuần chỉ nên xông hơi 1 lần.