Với cô giáo Đồng Mỵ, Văn học dân gian chính là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc; là những viên ngọc quý từ ngàn xưa để lại, chất chứa bao tâm huyết và ước vọng của ông cha.

Ngày ấy, cô giáo Đồng Mỵ đã đứng đó, mắt sáng ngời, tràn đầy niềm tin và tình yêu nghề, tình yêu với Văn học dân gian. Đối với cô, thể loại văn học này không chỉ đơn thuần là những lời thơ, câu hát mà là cả một kho tàng sống động của tri thức, nghệ thuật và đạo lý. Văn học dân gian đối với cô là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc; là những viên ngọc quý từ ngàn xưa để lại, chất chứa bao tâm huyết và ước vọng của ông cha.

Văn học dân gian là gì?

Từ thuở còn nhỏ, cô đã yêu từng câu chuyện cổ tích bà kể, từng câu hò, câu hát mẹ ru. Trong trái tim cô, những lời thơ, câu hát ấy không chỉ là âm thanh của một thời thơ ấu yên bình; mà còn là tiếng gọi từ nơi sâu thẳm của văn hóa dân tộc, là hồn quê mộc mạc, đậm đà. Để rồi khi trưởng thành, cô đem tình yêu ấy đến với từng bài giảng, từng thế hệ học trò; mong mỏi rằng các em cũng sẽ yêu quý và thấu hiểu những giá trị mà thể loại văn học này mang lại.

Đặc trưng và thể loại văn học dân gian

Một buổi học văn học dân gian, cô đứng trước lớp, ánh mắt như đang sống lại trong ký ức của những câu chuyện cổ xưa. Cô bắt đầu giảng giải một cách chậm rãi, đầy ấm áp; như một người mẹ kể chuyện cho con nghe.

Cô hỏi học trò, “Các em có biết văn học dân gian là gì không?” Lũ học trò nhìn cô, một vài đứa nhút nhát lắc đầu, một số thì rụt rè trả lời. Cô mỉm cười, giọng nói trầm ấm vang lên: “Văn học dân gian là loại hình văn học lưu truyền bằng miệng, không có chữ nghĩa, không cần sách vở; nhưng vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Đó là những câu chuyện, bài hát mà ông bà ta truyền lại; từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là tiếng nói của bao thế hệ, là lời thì thầm của tổ tiên, mang theo bao tri thức và kinh nghiệm sống; là những di sản văn hóa mà chúng ta phải gìn giữ.”

Giá trị của văn học dân gian với đời sống

Cô nhẹ nhàng kể về sự phong phú, đa dạng của văn học dân gian. Nào là những câu chuyện cổ tích ẩn chứa bài học nhân sinh sâu sắc; nào là truyền thuyết kể về các vị anh hùng; nào là những câu chuyện cười giản dị nhưng không kém phần sâu cay. Đặc biệt, trong những câu ca dao, tục ngữ, từng chữ từng câu đều chất chứa một bài học, một triết lý về cuộc sống. Cô nói rằng: “Mỗi thể loại văn học dân gian đều có một vẻ đẹp riêng; nhưng chúng đều chung một mục đích: truyền tải khát vọng về một cuộc sống công bằng, tốt đẹp và nhân văn. Đó chính là trái tim của văn học dân gian.”

Giáo dục sâu sắc

Để minh họa, cô kể lại cho các em nghe câu chuyện về Thạch Sanh; một chàng trai nghèo nhưng chân chất, thật thà, và nhờ vào lòng tốt đã vượt qua bao thử thách. Rồi cô kể về Sọ Dừa, đứa trẻ sinh ra trong hình hài kỳ lạ; bị xem thường, khinh rẻ nhưng nhờ tài năng và tấm lòng nhân hậu mà cuối cùng giành được hạnh phúc. Những câu chuyện ấy, với giọng kể của cô, không chỉ là những lời văn; mà là từng thước phim sống động khắc sâu vào tâm trí các em. Các em không chỉ nhớ nội dung, mà còn thấm thía những bài học đạo lý; rằng lòng tốt luôn được đền đáp, rằng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

Văn học dân gian chính là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại (ảnh: congdankhuyenhoc)

Khi cô kể về câu ca dao tục ngữ, không gian lớp học như chìm đắm trong giai điệu của những câu ca mộc mạc mà sâu sắc. Cô đọc từng câu, từng chữ như đang truyền cho các em một phần di sản của dân tộc. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” – cô giải thích; đây không chỉ là lời dạy về tình người, về sự đùm bọc; mà còn là triết lý sống, là nhân sinh quan mà cha ông muốn truyền lại. Cô tiếp tục rằng, mỗi câu ca dao, tục ngữ ấy đều là một bài học làm người; dạy ta kính trên nhường dưới, dạy ta sống nhân hậu, nghĩa tình. Đó là đạo lý làm người mà bất cứ ai cũng nên ghi nhớ.

Kho tàng tri thức

Trong mắt cô, văn học không chỉ là phương tiện để giảng dạy; mà còn là một kho tàng tri thức vô giá, một món quà mà tổ tiên để lại cho thế hệ sau. Cô thường tâm sự với học sinh: “Các em ạ, văn học dân gian là cuốn sách cổ xưa nhất và gần gũi nhất mà chúng ta có. Trong đó chứa đựng những kinh nghiệm sống giản đơn nhưng đầy ý nghĩa; là lời dạy bảo mà ông bà tổ tiên muốn truyền lại”. Bằng chất giọng nhẹ nhàng mà sâu lắng, cô nhắn nhủ rằng; học văn học dân gian không chỉ để biết mà còn để sống đẹp hơn, để biết yêu thương và quý trọng những giá trị tốt đẹp.

Cô giáo Đồng Mỵ, giáo viên Ngữ Văn tại trường THCS Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương luôn mang trong mình nỗi trăn trở về tình trạng học sinh mất hứng thú với môn Văn; thậm chí viết lách trở nên đơn điệu, thiếu cảm xúc. Đối mặt với những thách thức do ảnh hưởng của phản văn hóa và lối dạy rập khuôn; chị đã chọn con đường khác biệt: làm sống lại vẻ đẹp của Văn học, từ nhân cách nhân vật đến Văn học dân gian và Văn hóa truyền thống. Với tâm huyết và sự chân thành, chị truyền cảm hứng cho học sinh; giúp các em yêu mến môn Văn và hình thành nhân cách. Chính chị cũng là một tấm gương sáng, âm thầm lan tỏa giá trị tốt đẹp đến thế hệ trẻ.

Giá trị thẩm mỹ và bản sắc văn hoá dân tộc

Cô không quên nói về vẻ đẹp thẩm mỹ và giá trị văn hóa của văn học dân gian. Những câu hò, câu hát, làn điệu dân ca mà cô thường ngâm nga trong lớp không chỉ giúp các em thư giãn; mà còn để các em cảm nhận vẻ đẹp mộc mạc, chân chất của người dân quê. Qua từng lời ca, cô khơi dậy trong các em lòng tự hào về truyền thống của dân tộc. Cô nhấn mạnh: “Đó là bản sắc của chúng ta, là những gì mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy.”

Cô Đồng Mỵ, trong lòng các thế hệ học trò, không chỉ là một người thầy; mà còn là người gieo mầm tình yêu văn chương và lòng tự hào dân tộc. Cô giúp các em sống đẹp hơn, biết yêu thương và trân trọng những giá trị truyền thống. Với cô, mỗi bài giảng là một nhịp cầu, nối quá khứ với hiện tại; để những giá trị ấy mãi mãi trường tồn trong tâm hồn các thế hệ mai sau.