Tin một người là tin và làm theo lời khuyên của người đó, hay chỉ cần nói “Tôi tin!” là đủ? Vậy thế nào mới là tin?
Một người phụ nữ Đức hôm nay đã nói với tôi: “Tôi từng tin vào Chúa, nhưng hôm nay tôi rất chán ghét Ngài. Hãy nhìn những gì Ngài đã làm với người dân Ấn Độ mà xem!”
Tôi nói: “Thay vì chán ghét Chúa, xin hãy cảm ơn Ngài vì ngày hôm nay bà vẫn khoẻ mạnh. Chúng ta đều tin vào nhân quả. Bà làm sao biết được quan hệ nhân quả đằng sau của những người Ấn Độ kia… Ai có tội, người ấy phải trả. Chết không có nghĩa là tất cả đều chấm dứt. Bà cũng biết đằng sau cái chết còn có Thiên Đàng, Địa Ngục. Người tín Phật chúng tôi còn tin vào luân hồi. Thiên Chúa vẫn luôn bảo hộ những người chân chính tin vào Ngài. Hạnh phúc hay đau buồn, an nhiên hay thống khổ là sự lựa chọn… Mỗi người trong chúng ta cần xác định nơi mà mình muốn đến, và vững bước trên con đường có thể dẫn mình đến nơi ấy.”
Bà ấy cảm ơn tôi vì đã thức tỉnh và và giúp bà giữ lại niềm tin vào Thiên Chúa.
Xem nhanh
Thế nào mới là tin – một cách chân chính?
Câu chuyện thứ nhất:
Chị bạn tôi có 2 người em. Khi cuộc sống bên Đức của chị đi vào ổn định, chị muốn đón 2 em mình sang để cùng sinh sống. Chị hứa sẽ giúp mọi thứ để các em có được cuộc sống tốt đẹp nơi trời Tây. Điều kiện duy nhất là 2 em phải học tiếng Đức và thi được bằng B1, nếu không thì không xin được visa.
Người em thứ nhất nói: Em tin chị. Khi nào có thời gian em sẽ học tiếng Đức.
Người em thứ hai nói: Thích quá chị ơi! Cô lập tức đăng ký lớp tiếng Đức và chăm chỉ học.
Một năm sau, người em thứ hai được đoàn tụ với chị mình ở Đức. Cô được chị đưa đi xin việc làm, rồi kết duyên với một đồng nghiệp nơi công sở, cuộc sống quả thật tốt đẹp và ổn định hơn xưa.
Người em thứ hai vì không học tiếng Đức nên việc sang Đức mãi mãi chỉ là một giấc mơ.
Câu chuyện thứ 2: “Con tin ta, con sẽ được về Thiên Quốc.”
Hầu hết người phương Tây, và cả người phương Đông tín ngưỡng Thiên Chúa giáo đều nói rằng “Tôi tin vào Thiên Chúa”. Thậm chí có người còn cực đoan: “Tôi chỉ tin vào Thiên Chúa”, và phủ nhận những đức tin khác. Tuy nhiên, có phải tất cả họ đều được về Thiên Quốc?
Akiane nói: “Con tin vào Thiên Chúa!” Trong giấc mơ của mình, cô bé đã được gặp Thiên Chúa, được Ngài dạy vẽ tranh, làm thơ. Mỗi lời Ngài giảng đều là Đạo, sau những “buổi học” ấy, Akiane biết mình cần sống thế nào để làm một người tốt và kiên trì thực hiện theo những bài học ấy. Tài vẽ tranh cũng song hành cùng phẩm chất trong sáng của cô bé, mỗi ngày một nở rộ. Cha mẹ cô, từ những người cộng sản vô thần của liên bang Xô-viết năm xưa nay cũng trở thành những con chiên ngoan đạo. Họ mỗi ngày cùng đọc và thực hiện những lời răn trong Kinh Thánh. Niềm tin được trở về Thiên Quốc luôn toả sáng trong ánh mắt rạng ngời của họ.
Tuy nhiên cũng có những người chỉ xem đức tin như một loại hình thức văn hoá. Họ thường có những biểu hiện rất chân thành ngoài xã hội; tuy nhiên quyển Kinh Thánh ở nhà bám dày lớp bụi của nhiều năm. Điều gì được viết trong Kinh Thánh con cái họ cũng không hề biết đến. Không như gia đình Akiane luôn rạng ngời niềm tin vào Thiên Chúa; họ tin vào Thiên Chúa nhưng thường trách số phận, cảm thấy cuộc sống không công bằng với mình. Có được về Thiên Quốc hay không họ cũng rất mơ hồ.
Nói “tin” là đủ – thế nào mới là tin
Trong câu chuyện thứ nhất, một người nếu muốn xuất ngoại cần đáp ứng đủ điều kiện mà quốc gia ấy yêu cầu thì mới xin được visa. Học ngôn ngữ của quốc gia ấy là một điều bắt buộc. Ngoài ra, để trở thành công dân nơi ấy; họ còn cần học về văn hoá xã hội và luật pháp nước sở tại nữa. Vậy lẽ nào lên Thiên Quốc chỉ cần nói một chữ “tin” là đủ?
Đằng sau chữ “tin”
Trong câu chuyện thứ 2, Akiane tuy không sống vào thời Đức Giê-su còn tại thế; nhưng với lòng tin trong sáng và thành kính của mình, cô đã được gặp Thiên Chúa; được nghe Ngài giảng Đạo. Akiane được trao nhiệm vụ thực hành những lời giảng của Ngài; làm một người tốt đúng nghĩa và không phạm những điều răn trong Kinh Thánh. Đồng thời cô bé cũng mang sứ mệnh đánh thức những người đã lung lạc niềm tin vào Thiên Chúa. Người đầu tiên mà cô đánh thức là cha mẹ của mình.
Akiane cũng là người được cho là vẽ bức tranh Đức Giê-su giống nhất (do những người từng được gặp Thiên Chúa trong mơ hoặc trong trải nghiệm cận tử).
Khoa học và tín ngưỡng
Việc một người được gặp Thiên Chúa là điều mà khoa học mãi vẫn chưa thể chứng minh được, nhưng các nhà khoa học chân chính chẳng bao giờ phủ nhận.
Louis Pasteur từng nói: “HIểu biết nông cạn về khoa học sẽ khiến ta gạt bỏ Chúa; khoa học tinh thâm sẽ khiến ta tin vào Chúa.”
Albert Einstein cũng từng nói: “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Thượng Đế.”
Isaac Newton cũng nói: “Người suy nghĩ nửa vời sẽ không tin vào Chúa; nhưng những người suy nghĩ thấu đáo sẽ phải tin vào Chúa.”
Các nhà khoa học lỗi lạc các thời đại, những người đã mang ánh sáng khoa học đến với thế giới này để chúng ta có được những tiện ích hiện đại ngày nay đều không hề thuyết giảng rằng “Tôn giáo, tín ngưỡng là mê tín hay phản khoa học”. Ai đã nói lên giả thuyết đó, không nằm trong phạm trù bài viết nhưng chắc chắn rằng đó không phải là lời các nhà khoa học chân chính nói ra.
Dựa vào những gì các nhà khoa bậc thầy nói, chúng ta biết rằng tín ngưỡng cũng là khoa học; một khoa học cao hơn khoa học thực chứng hiện nay. Đỉnh cao của thứ khoa học ấy là Chân lý, là điều mà khoa học thực chứng mãi vẫn chưa tìm thấy được điểm tận cùng.
“Visa về Thiên Quốc”
Chọn tin vào Thiên Chúa, mỗi người, bằng cách nào đó cũng sẽ được “đào tạo” (được tiếp cận những lời giảng chân thực của Chúa), được giao “nhiệm vụ và sứ mệnh” (sống tốt và thức tỉnh niềm tin Thiên Chúa của mọi người). Đó cũng là một quá trình học, thực hành và khảo nghiệm; ai hoàn thành tốt thì mới được trở về.
Tuy không thể tìm được bằng chứng để nói chính xác về điều này vì ai được về Thiên Quốc họ cũng đã về rồi, không thể lại ở đây để làm nhân chứng sống. Nhưng nếu làm một khảo sát tổng thể về sức khoẻ, tinh thần, hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống của một người chân chính thực hành tín ngưỡng và một người chỉ nói “tin” nhưng không thực hành, chúng ta cũng sẽ thấy được sự khác biệt.
Dù là tín ngưỡng Thiên Chúa hay Thần Phật, lòng tin chân chính sẽ mang chúng ra đến trước con đường về Thiên Quốc. Trên con đường ấy, mỗi chúng ta cần phải bước đi bằng đôi chân của chính mình, bằng sự tu dưỡng của chính mình. Akiane và những thiên sứ khác đã dùng câu chuyện của chính họ để đánh thức thế nhân, có lẽ không nên để các Đấng từ bi phải đợi chờ thêm nữa. Hãy thức tỉnh và chân chính tín ngưỡng!