Thời gian này, trên mạng xã hội nhiều loại sản phẩm chức năng (sâm, cao sâm…) đang được quảng cáo rầm rộ, như một loại “thần dược” trong việc chống đột quỵ rất “thần kỳ”; khiến nhiều người tin và đổ xô đi mua. Vậy, thực tế tác dụng của những loại thần dược này như thế nào?

“Thần dược” phòng và điều trị biến chứng đột quỵ đa dạng chủng loại

những loại thuốc có xuất xứ đa dạng quảng cáo như một loại "thần dược" trong phòng và điều trị đột quỵ bán tràn lan trên mạng xã hội.
Các loại thuốc, TPCN quảng cáo trên mạng với tác dụng như “thần dược” trong phòng và điều trị đột quỵ ( Nguồn ảnh: Internet )

Tìm hiểu qua những lời quảng cáo trên các trang bán sản phẩm, thì hầu hết người bán đều cam đoan rằng: chỉ cần mỗi ngày uống một viên “thần dược” chống đột quỵ vào buổi sáng, sẽ giúp mọi người tránh được nhiều biến cố trong cuộc sống.

Thuốc cũng được quảng cáo là có khả năng ngăn ngừa hiện tượng chảy máu não, xuất huyết não. Ngay cả với người đã bị tai biến mạch máu não lâu ngày, khi uống thuốc sẽ điều trị được các di chứng như liệt người, khó nuốt, hôn mê, tâm thần… và những lời quảng cáo đó, đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng; nên nhiều người đã đổ xô đi mua.

TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh
Thực hư tác dụng của các “thần dược” như thế nào? ( Nguồn ảnh: Internet )

Các thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo có thể phòng chống đột quỵ rất phong phú, từ xuất xứ đến giá cả.

Các sản phẩm được quảng cáo rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ và giá cả; ví dụ như: viên uống ngăn ngừa và hỗ trợ sau tai biến Doctor’s Best Nattokinase (Mỹ) với giá bán hơn 1 triệu đồng/hộp 270 viên; Rutozym – TPCN chống đột quỵ, ổn định huyết áp (Mỹ) có giá 2 triệu đồng/hộp 120 viên; viên uống phòng ngừa và hồi phục đột quỵ Power HLP Nhật Bản hộp 60 viên có giá khoảng 1,2 triệu đồng; ngưu hoàng Thanh Tâm chống đột quỵ dạng nước (xuất xứ Hàn Quốc) giá 1,5 triệu đồng/hộp, TPCN hỗ trợ phòng chống tai biến, đột quỵ Vitaginus (xuất xứ Canada) có giá 265.000 đồng/chai 3 viên…

Để người mua tin tưởng hơn, người bán hàng còn khẳng định là “thuốc thần” của mình bán, có thể chống co giật, hạ huyết áp, cấp cứu, điều trị cho người bị tổn thương não lâu năm, bại liệt…và thuốc toàn dược liệu quý, không chất bảo quản nhưng có thể để được đến hơn… 10 năm.

“Thần dược” phòng và điều trị đột quỵ- chuyên gia nói gì?

Về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện nhân dân 115 – cho biết: “Việc quá tin vào sản phẩm sẽ có tác hại khôn lường trong cấp cứu người bị đột quỵ; chưa kể việc không biết thành phần của chúng; cũng sẽ có nhiều nguy cơ gây hại nếu tùy ý sử dụng”.

Bác sĩ Thắng khuyến cáo, khi đột quỵ xảy ra, không riêng gì các loại thuốc Đông y, mà cả thuốc Tây y cũng không được sử dụng cho người bệnh. Bởi nếu người bệnh bị triệu chứng khó nuốt, cơ thể đang phản ứng; khi đưa thuốc vào, nguy cơ hít sặc thuốc xuống phổi cao hơn; gây các biến chứng viêm phổi, thậm chí tử vong.

Còn theo TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM: người dân phải cẩn trọng với các loại thuốc chống đột quỵ, đang được chào bán tràn lan trên mạng. Bác sĩ Lan cho biết: “Sâm và cao sâm rất nóng; khi uống sâm có thể làm tim đập nhanh, càng dẫn đến huyết áp tăng. Sâm chỉ phù hợp với người khí suy hay cơ địa lạnh.

Còn an cung ngưu được xem là thuốc cấp cứu. Vì vậy, bệnh nhân chỉ được uống trong một thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng quá liều, sẽ gây nhiều biến chứng. Hiện nay, trên mạng xã hội thường thấy an cung ngưu của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc… với hàm lượng thủy ngân khá cao, có thể gây ngộ độc cho người dùng.

Lời khuyên từ chuyên gia khi có người bị đột quỵ

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, nếu phát hiện một người bị đột quỵ; hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để kịp thời gian vàng điều trị. Không được tự xử lý trừ khi là người có chuyên môn về cấp cứu đột quỵ. Mọi người nên thường xuyên tập thể dục, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không lạm dụng các loại TPCN; hay chủ quan với những loại thuốc phòng, chống đột quỵ không rõ nguồn gốc.

Còn Bác Sĩ Lan nói: “Đột quỵ có nhiều nguyên nhân; thường gặp ở người có bệnh nền cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường hay người có tiền sử uống rượu bia… Vì vậy, nên điều trị bệnh lý nền hơn là đi mua thuốc phòng đột quỵ”.