Những người sợ học tiếng Anh đã vô thức coi tiếng Anh như một hòn đá tảng cản bước chân mình, lo sợ và chán nản mỗi khi phải tiếp xúc với môn học này.
Trong tình thế toàn cầu hóa hiện nay, tiếng Anh đã thực sự được sử dụng như một ngôn ngữ quốc tế; đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực xã hội, công nghệ, giáo dục, du lịch… Nó cũng chính là cầu nối giữa các nền văn hóa, là nhân tố mở ra những miền đất hứa trong học tập, nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Những người có nền tảng tiếng Anh vững chắc như có thêm đôi cánh rộng giúp họ bay vượt qua giới hạn bản thân.
Bên cạnh đó, không ít người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, khi đối mặt với tiếng Anh lại coi đó như một thử thách nghiêm trọng. Trong suy nghĩ và hành động, họ đã vô thức coi tiếng Anh như một hòn đá tảng cản bước chân mình; lo sợ và chán nản mỗi khi phải tiếp xúc với tiếng Anh.
Nếu tình trạng này mỗi ngày một gia tăng, và các em không tự phá vỡ quan niệm đó; thì đồng nghĩa với việc các em sẽ gặp phải nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài; ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân cũng như cơ hội trong tương lai.
Xem nhanh
Những ảnh hưởng tiêu cực từ việc sợ học tiếng Anh
1. Ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường
Có thể nói, gần như toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam coi tiếng Anh là môn ngoại ngữ quan trọng trong chương trình giáo dục các cấp. Khi các em mang theo ác cảm với việc học tiếng Anh, điều đó sẽ khiến các em không tiếp thu bài hiệu quả; thậm chí có thể tự tạo vỏ bọc khép kín trong giao tiếp với giáo viên. Trạng thái này chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt trong các bài kiểm tra định kỳ hay kỳ thi.
Xa hơn nữa, các em sẽ mất đi cơ hội du học trong các chương trình đào tạo quốc tế, mất cơ hội trở thành công dân toàn cầu.
2. Cơ hội tiếp cận tri thức và hội nhập quốc tế bị cản trở
Vì tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong nhiều lĩnh vực ngành nghề; các nghiên cứu có thành tựu, sách báo, tạp chí quốc tế đều sử dụng tiếng Anh để truyền đạt. Việc hạn chế tiếng Anh làm mọi người bị bó hẹp trong ngôn ngữ mẹ đẻ; lỡ mất cơ hội tiếp cận kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Trong khi thế giới ngày càng mở cửa và yêu cầu phải có kỹ năng giao tiếp toàn cầu; những người không sử dụng tiếng Anh sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối, trao đổi với các đối tác quốc tế; dẫn đến bản thân bị hạn chế trong môi trường làm việc và học tập.
3. Cơ hội phát triển nghề nghiệp dần bị đánh mất
Không thể phủ nhận rằng tiếng Anh là một yêu cầu cơ bản trong hầu hết các lĩnh vực hiện đại. Rất nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia trong việc tuyển dụng nhân sự; coi những người biết sử dụng tiếng Anh là một điểm cộng lớn. Hơn nữa, khả năng ngoại ngữ cũng mang đến những thăng tiến trong công tác. Vậy rõ ràng, việc sợ học tiếng Anh như là đang tự mình đóng sập lại các cánh cửa nghề nghiệp hấp dẫn.
4. Sự tự ti và kỹ năng giao tiếp bị hạn chế
Sợ học tiếng Anh không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức; mà còn có tác động mạnh mẽ đến sự tự tin và kỹ năng giao tiếp. Khi không có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, họ sẽ e ngại, tự ti; trong các hoạt động mà tiếng Anh được khuyến khích sử dụng, hay trong các hoạt động quốc tế.
5. Tư duy bị bó hẹp trong ngôn ngữ và văn hóa
Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp để khám phá các nền văn hóa khác nhau; kể cả những nền văn hóa cổ xưa do khảo cổ học phát hiện ra. Sợ học tiếng Anh khiến người học vô tình bị hạn chế trong góc nhìn văn hóa hạn hẹp của bản thân.
6. Việc lo sợ học tiếng Anh còn dẫn đến hậu quả tâm lý, áp lực và cảm giác thất bại
Trong suốt quá trình học tập, việc không đạt được kết quả tốt sẽ làm gia tăng áp lực, thậm chí là cảm giác thất bại. Nỗi lo mỗi ngày càng lớn, khiến bản thân dần rơi vào vòng luẩn quẩn; mất động lực cải thiện khả năng ngoại ngữ và giảm khả năng đối mặt với thử thách trong tương lai.

7. Ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội
Xét một cách toàn diện, khi tiếng Anh được đưa vào hệ thống giáo dục toàn quốc; điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia cần có lực lượng lao động tương lai thành thạo tiếng Anh. Nhưng nếu một lượng lớn người trẻ né tránh việc học tiếng Anh; điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển xã hội, làm giảm cạnh tranh quốc tế; đồng thời ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ.
Vì tất cả những điều này, việc sợ học tiếng Anh không chỉ là vấn đề cá nhân; mà còn là một trở ngại lớn đối với sự phát triển toàn diện của người học và xã hội. Do đó, việc thay đổi nhận thức và phương pháp học tiếng Anh là vô cùng cần thiết. Người học cần nhìn nhận tiếng Anh không chỉ là một môn học mà là công cụ giúp họ bước ra thế giới; chinh phục tri thức và tạo dựng tương lai.
Người làm công tác giáo dục và gia đình cần đồng hành, động viên và tạo điều kiện; để học sinh vượt qua nỗi sợ hãi để học tiếng Anh với tâm thế chủ động và tích cực hơn.