Người giàu nhất hơn người nghèo nhất bao nhiêu tiền nhỉ? Thật đáng ngạc nhiên là chỉ vẻn vẹn có 3.000 đô la.

Một hôm, một người Singapore giàu có nổi tiếng đi cắt tóc. Người thợ cắt tóc bắt chuyện với ông: “Thưa ông, tôi nghe nói ông rất giàu có?”

Người đàn ông giàu lập tức trả lời: “Đúng vậy, giàu như Croesus!”. (Croesus là vị vua huyền thoại của xứ Lydia vào thế kỷ VI trước Công nguyên. Ông vua này giàu tới mức có cả một thành ngữ “giàu như Croesus”). 

Người thợ cắt tóc thủng thẳng nói: “Nhưng sự thật là khối tài sản của ông cộng lại chỉ hơn tôi 3.000 đô la Singapore”.

Người giàu nhất cũng chỉ hơn người nghèo nhất 3.000 đô la
Khi còn sinh mệnh, người giàu có thể có rất nhiều tiền (ảnh minh hoạ: pixabay).

Vì sao người giàu nhất lại hơn có 3.000 đô la?

Người đàn ông giàu tức giận và nói lớn: “Làm sao có thể như vậy được? Hiện giờ trong túi tôi còn có nhiều tiền mặt hơn tất cả tài sản của ông cộng lại!”.

Người thợ cắt tóc điềm tĩnh nói: “Xin ông đừng tức, hãy nghe tôi nói trước. Tôi hỏi ông một câu này, chiếc quan tài đắt nhất trong khu vực của chúng ta hiện nay giá là bao nhiêu tiền?”

Người đàn ông giàu có đáp: “4.000 đô la Singapore” (tương đương 2977 đô la Mỹ).

Người thợ cắt tóc hỏi tiếp: “Còn cái rẻ nhất là bao nhiêu tiền?”

Người giàu trả lời: “1.000 đô la Singapore” (tương đương 745 đô la Mỹ).

Người thợ cắt tóc kết luận: “Vì vậy, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông sẽ mua một chiếc quan tài đắt tiền nhất. Còn tôi nghèo và sẽ mua chiếc rẻ nhất. Cuối cùng thì tài sản hữu ích mà ông mang theo đi (chiếc quan tài) chỉ hơn tôi 3.000 đô la Singapore, ngoài ra những tài sản khác không có nghĩa gì cả”.

Người đàn ông giàu bỗng nhiên hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói đó. Ông đã quyết định thay đổi cách sống của mình. Ông dành nhiều thời gian và tài sản giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Người thợ cắt tóc đã làm được một việc rất hữu ích. Anh giúp người đàn ông giàu có hiểu ra thực sự cuộc sống là gì.

Lời bàn

Chúng ta thường nhìn cuộc sống với vẻ ngoài hào nhoáng của nó. Rồi tự phân biệt ra thế nào là người giàu và người nghèo. Con người mải miết chạy theo tiền bạc và danh vọng để được “bằng bạn bằng bè” nhưng cuối cùng đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới thấy “giàu nghèo cũng như nhau”.

Vậy bỏ qua cái hình thức bề ngoài thì bản chất của cuộc sống là gì?

Nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, con sóng nhỏ tỏ ra ghen tị:

– Thật là ghen tị. Con sóng kia lớn quá, còn ta lại nhỏ bé. Sóng lớn mạnh mẽ xiết bao, còn ta yếu đuối thế này.

Con sóng to cười đáp : – Đó là vì không nhận ra bản chất của mình nên bạn buồn bực thế.

Con sóng nhỏ hỏi: Tôi không là sóng thế là gì ?

Sóng lớn đáp: Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong sinh mệnh của bạn. Thực ra bạn là nước. Tôi cũng là nước. Bản chất sinh mệnh của bạn và tôi giống nhau. Vậy nên đâu cần để ý đến cái vỏ bề ngoài.

Người giàu nhất cũng chỉ hơn người nghèo nhất 3.000 đô la
Sóng lớn và sóng nhỏ, đều là sinh mệnh cấu thành từ nước (ảnh: pixabay).

Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ: À, bây giờ thì tôi hiểu. Bạn và tôi tuy hai mà một.

Con người nhiều khi cứ vì vẻ bề ngoài mà trong tâm nổi lên sự phân biệt giữa bản thân mình và người khác. Rồi vì thế mà buồn khổ. Thực ra sinh mệnh con người đều có bản chất là lương thiện. Nếu chỉ vì vẻ hào nhoáng tạm thời quên bản chất lương thiện của mình, cố tình chạy theo những thứ hào nhoáng thì đó chẳng phải là nỗi hối hận đáng tiếc lớn nhất hay sao.

Xem thêm: