Mạc Đĩnh Chi, từ một chàng trai nghèo khó, mồ côi cha, đã vươn lên trở thành “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”, ghi danh với trí tuệ sắc bén và phẩm cách liêm khiết. Cuộc đời ông là biểu tượng về tài năng, đức độ và niềm tự hào của quê hương Nam Sách.
- Nam Sách – Miền quê lưu giữ hồn Việt
- Cây gạo đầu làng: Nhân chứng thầm lặng và bài học bất diệt về cuộc sống
Mạc Đĩnh Chi, một trong những danh nhân kiệt xuất của lịch sử Việt Nam, được lưu danh muôn đời với danh hiệu “Lưỡng quốc Trạng Nguyên”. Ông không chỉ nổi bật bởi tài học xuất chúng, mà còn bởi những giai thoại về trí tuệ và phẩm cách cao quý, góp phần làm rạng danh nền văn hóa Đại Việt.
Xem nhanh
Từ cội nguồn nghèo khó đến đỉnh cao học vấn
Sinh năm 1280 tại làng Lũng Động, Chí Linh, (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Mạc Đĩnh Chi lớn lên trong cảnh cơ hàn. Mồ côi cha từ nhỏ, ông phải vào rừng kiếm củi nuôi mẹ. Với dáng người thấp bé và dung mạo không mấy ưa nhìn, ông thường bị người đời trêu chọc, khinh rẻ. Tuy nhiên, Mạc Đĩnh Chi sớm nhận ra rằng học vấn là con đường duy nhất để thoát khỏi cảnh nghèo hèn. Ông dốc sức học tập và may mắn được Chiêu Quốc Vương, một người trọng nhân tài, chu cấp cho việc học.
Năm 1304, Mạc Đĩnh Chi tham dự khoa thi Đình và đỗ Trạng nguyên ở tuổi 24. Tuy nhiên, dung mạo của ông khiến vua Trần Anh Tông ban đầu không muốn công nhận ông đứng đầu. Để thuyết phục nhà vua, Mạc Đĩnh Chi đã viết bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc), ví mình như bông sen thanh cao mọc giữa nơi khó khăn. Vua cảm động trước tài năng và nhân cách của ông, liền ban thưởng áo mão và cho vinh quy bái tổ.
Mạc Đĩnh Chi – Trí tuệ vượt trội trong ngoại giao
Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi được cử làm sứ thần sang nhà Nguyên. Chuyến đi này được dự báo là đầy hiểm nguy; bởi nhà Nguyên vẫn còn hằn sâu sự thất bại trong ba cuộc xâm lược Đại Việt. Dù bị khinh thường vì vẻ ngoài; Mạc Đĩnh Chi đã khiến vua Nguyên và bá quan văn võ phải kính phục nhờ trí tuệ siêu việt.
Tại buổi tiếp kiến đầu tiên, vua Nguyên đưa ra câu đối: “Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” – Mặt trời là lửa; mây là khói; ban ngày thiêu cháy mặt trăng; ngụ ý sự mạnh mẽ của nhà Nguyên. Mạc Đĩnh Chi liền đối lại: “Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô”. Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời; nhấn mạnh rằng nước nhỏ cũng có thể đánh bại nước lớn.
Câu đối sắc bén khiến vua Nguyên phải thừa nhận tài năng của ông. Một lần khác, tại phủ Tể tướng nhà Nguyên; ông đã ứng biến xuất sắc khi bị trêu chọc vì lầm tưởng bức thêu chim sẻ là chim thật. Ông kéo bức trướng xuống xé đi, giải thích rằng: “Trúc là quân tử, sẻ là tiểu nhân. Thêu chúng cùng nhau là để tiểu nhân lấn át quân tử. Tôi vì triều đình mà trừ họa tiểu nhân”. Lời giải thích khiến mọi người phải thán phục.
Mạc Đĩnh Chi – Văn tài lay động lòng người
Một trong những sự kiện nổi bật trong chuyến đi sứ của Mạc Đĩnh Chi là khi ông được giao đọc văn tế trong lễ tang công chúa yêu quý của vua Nguyên. Trước bài văn tế chỉ có một chữ “Nhất”, ông lập tức ứng khẩu thành bài văn tế thấm đẫm cảm xúc: “Thanh thiên nhất đóa vân,Hồng lô nhất điểm tuyết,Thượng uyển nhất chi hoa,Dao trì nhất phiến nguyệt.Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!”
(Bản dịch: Một đám mây trên bầu trời xanh,Một bông tuyết trong lò lửa hồng;Một bông hoa trong vườn thượng uyển,Một vầng trăng ở cung Dao Trì.Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!)
Lời văn tế khiến cả triều đình nhà Nguyên xúc động, vua Nguyên và bá quan đều không cầm được nước mắt.
Tấm gương liêm khiết và di sản
Mạc Đĩnh Chi không chỉ nổi danh về tài năng; mà còn là biểu tượng của sự liêm khiết và thanh cao. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi lại rằng: khi được vua ban tiền bạc; ông từ chối nhận nếu không rõ nguồn gốc, cho thấy phẩm cách đáng quý của ông.
Trong thời gian làm sứ thần, ông còn kết thân với sứ giả Cao Ly, người sau đó gả cháu gái cho ông. Hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly trở thành một dòng tộc nổi danh. Đặc biệt, cháu bảy đời của ông, Mạc Đăng Dung, sau này trở thành người sáng lập nhà Mạc; đánh dấu một chương mới trong lịch sử Đại Việt.
Nhà Mạc, dù tồn tại chỉ 150 năm; đã truy tôn Mạc Đĩnh Chi là “Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế”; thể hiện sự kính trọng dành cho vị tổ tiên tài đức vẹn toàn.
Lời kết
Cuộc đời Mạc Đĩnh Chi là tấm gương sáng ngời về ý chí vươn lên từ nghịch cảnh; về tài năng xuất chúng và phẩm cách cao quý. Ông không chỉ là niềm tự hào của Đại Việt; mà còn là biểu tượng cho giá trị trường tồn của tri thức và nhân cách trong lịch sử dân tộc.
Mạc Đĩnh Chi – niềm tự hào quê hương, là minh chứng sống động về sự vươn lên, làm rạng danh quê hương Nam Sách và lịch sử dân tộc Việt Nam.