Lòng nhân ái là phẩm chất quý giá của con người; là tình yêu thương, san sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Thử hỏi rằng: trong xã hội nhân loại, giữa con người với con người mất đi lòng nhân ái thì sẽ ra sao? Sẽ không còn hương vị của cuộc sống, không có câu chuyện cảm động để kể, chỉ còn bức tranh với hai màu: sáng và tối…

Lòng nhân ái đem lại điều gì tốt đẹp cho con người?

Lòng nhân ái khiến con người ước chế bớt ma tính bản thân. Bản tính mỗi người đều có hai mặt đối lập cùng tồn tại: Phật tính và ma tính. Phần thiện lương, tốt đẹp chính là biểu hiện của Phật tính; nóng giận, oán ghét, ích kỳ, tham lam, tật đố… là phần ma tính của con người. Khi một người để phần xấu trong mình chiếm chủ đạo thì người đó đã bị ma tính khống chế mà mất đi phần thiện lương trong mình.

Lòng nhân ái khiến con người biết buông bỏ cái tôi ích kỷ, hiểu được giá trị của yêu thương. Dường như không ai tự nhận mình là xấu, bởi mỗi người có suy nghĩ, tình cảm của riêng mình. Nhưng khi đứng trước lợi ích mới thấy rõ con người mình coi trọng điều gì. Nếu biết coi nhẹ vật chất, đặt tình người, sự cảm thông, yêu thương với người yếu thế hơn; chính là bạn đã biết buông bỏ cái tôi ích kỷ, hiểu được giá trị của yêu thương.

Câu chuyện về lòng nhân ái.
Khi biết cho đi bạn sẽ hiểu được giá trị của nhận về (ảnh chụp màn hình: giadinh.net.vn).

Lòng nhân ái giúp chúng ta hiểu được giá trị của cho đi và nhận về. Khi bạn biết lấy yêu thương đổi lấy yêu thương và sẵn sàng cho đi không quan tâm nhận về; bạn sẽ hiểu sâu sắc của ba từ “lòng nhân ái”…

Cảm động về lòng nhân ái trong câu chuyện: Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh”

Người mẹ nghèo và cậu con trai

Một người mẹ nghèo với một cậu con trai 5 tuổi. Người mẹ ấy làm oshin giúp việc cho một ông chủ giàu có. Ngày ngày, chị tất bật với công việc; đêm xuống, chị vội vàng trở về với cậu con trai bé nhỏ đang mỏi mắt ngóng trông mẹ trong căn nhà tồi tàn.

Một hôm, ông chủ mở tiệc lớn chiêu đãi khách quý. Rất nhiều bạn bè, quan khách được mời đến dự bữa tiệc đêm đó. Ông chủ muốn chị giúp việc làm thêm giờ và yêu cầu chị về muộn hơn. Ông nói: “Hôm nay nhà có việc, chị có thể làm thêm và về muộn được không?”. Chị ngập ngừng trả lời: “Dạ được, nhưng có điều con trai tôi còn nhỏ quá, sợ cháu ở nhà một mình ban đêm sẽ sợ hãi”. Ông chủ ân cần nói: “Hãy đưa đứa bé đến đây”.

Người mẹ chở cậu con trai đến nhà ông chủ. Trên đường đi, chị nói với con: “Hôm nay mẹ cho con đi dự tiệc đêm nhé”. Nghe vậy cậu bé vô cùng háo hức nhưng nó đâu biết rằng mẹ nó chỉ là người giúp việc. Người mẹ không muốn tâm hồn non nớt của bé sớm hiểu sự khác biệt giữa kẻ giàu người nghèo. Chị âm thầm mua hai chiếc xúc xích.

Phẩm chất cao quý của người mẹ nghèo và tâm hồn trong sáng của cậu bé

Ngôi nhà rộng rãi càng thêm tráng lệ khi được trang hoàng để đón khách. Khách quý của ông chủ đến ngày một đông, ai cũng lịch sự và sang trọng. Nhìn đứa con nhếch nhác của mình, chị sợ ảnh hưởng đến buổi tiệc của ông chủ. Chị lại bận làm không để ý đến con được. Chị đã nghĩ ra một cách: để con ngồi trong nhà vệ sinh của ông chủ; nơi này có vẻ yên tĩnh, sẽ không có ai dùng tới trong buổi tối hôm nay.

Chị đặt hai chiếc xúc xích mới mua vào chiếc đĩa, chị cố vui vẻ nói với con: “Đây là phòng dành riêng cho con, con hãy ở yên đây thưởng thức bữa tiệc của mình nhé. Nào tiệc đêm bắt đầu!”. Sau đó, chị dặn con ngồi yên trong đây đến khi nào chị quay lại đón rồi cùng về.

Cậu bé nhìn “căn phòng dành riêng cho mình” một lượt. Nó thật sạch sẽ, thơm tho, thật đẹp quá mà nó chưa từng được nhìn thấy bao giờ. Thằng bé vô cùng thích thú. Nó ngồi xuống sàn và bắt đầu ăn xúc xích được mẹ đặt trên bàn đá có gương. Vừa ăn nó vừa ngân nga hát trong miệng như vui mừng cho mình.

Lòng nhân ái: Câu chuyện về bữa tiệc trong nhà vệ sinh.
“Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé” (ảnh internet).

Lòng nhân ái lấp đầy khoảng cách giàu – nghèo

Khi tiệc đêm bắt đầu, ông chủ chợt nhớ cậu con trai của chị giúp việc. Ông tìm chị trong bếp và hỏi cậu bé ở đâu. Chị giúp việc trả lời ngập ngừng: “không biết nó chạy đi đằng nào ạ…”. Cảm nhận có điều gì khó nói của chị giúp việc. Ông chủ lặng lẽ đi tìm.

Ông nghe thấy tiếng hát khe khẽ của trẻ nhỏ vọng ra từ nhà vệ sinh. Ông mở cửa, ngây người…! “Cháu nấp ở đây làm gì? Cháu có biết chỗ này là chỗ nào không?”, ông hỏi cậu bé. Không ngờ cậu bé hồ hởi khoe: “Mẹ cháu bảo, đây là phòng ông chủ dành riêng cho cháu dự tiệc đêm. Nhưng cháu muốn có ai cùng ngồi ăn với cháu…”.

Thấy sống mũi mình cay cay, ông cố kìm nước mắt; ông đã hiểu ra tấm lòng và nhân cách của chị giúp việc. Một con người có đủ tấm lòng nhân ái như ông biết phải làm gì trong tình huống này. Ông ngồi xuống, nhẹ nhàng nói những lời ấm áp: “Con hãy đợi ta nhé”.

Ông quay lại bữa tiệc, nói với các vị khách tiếp tục vui vẻ, ông bận tiếp một vị khách đặc biệt của bữa tiệc hôm nay. Ông lấy một chút thức ăn để trên cái đĩa rồi đi đến phòng vệ sinh, nơi cậu bé đang chờ. Ông gõ cửa phòng một cách lịch sự… Cậu bé mở cửa… Nở nụ cười trên môi, ông nói: “Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé”. Cậu bé vô cùng vui sướng. Hai người, ở hai thế giới khác biệt cùng ngồi xuống sàn, vừa ăn ngon lành vừa trò truyện vui vẻ, còn nghêu ngao hát…

Lòng nhân ái đã chắp cánh, nuôi dưỡng một nhân cách tốt

Các vị khách đã biết câu chuyện của cậu bé; nhiều người lần lượt đến gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi lịch sự và chúc hai người ăn ngon miệng. Có vị còn cùng ngồi xuống sàn hát vui những bài hát của trẻ nhỏ… Một không khí thật bình yên, chân thành và ấm áp!

Nghị luận về lòng nhân ái. Ảnh minh hoạ buổi tiệc.
Khi biết buông bỏ cái tôi ích kỷ, bạn sẽ hiểu được giá trị của yêu thương (ảnh internet).

Nhiều năm đã trôi qua… Cậu bé năm xưa giờ đã thành đạt và trở lên giàu có. Cậu vươn đến thế giới thượng lưu nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khổ. Bởi cậu không bao giờ quên được tấm lòng nhân ái của ông chủ và các vị khách đáng quý năm xưa đã cẩn trọng, giữ gìn tình cảm ngây thơ, trong sáng, sự tự tôn của đứa trẻ 5 tuổi. Cậu đã nhận được sự tôn trọng bởi những con người đạo đức. Điều đó đã giúp cậu nâng bước ước mơ, hình thành tiếp nơi cậu một nhân cách cao thượng, trở thành người có ích cho xã hội.