Phép tắc gia đình từ lâu đã trở thành nền móng văn hóa đạo đức của người Việt. Dù thời gian trôi đi, dù xã hội đổi thay, thì những giá trị như “trên kính, dưới nhường”, hiếu thuận với ông bà cha mẹ, nhường nhịn anh em… vẫn luôn là sợi chỉ đỏ nối kết các thế hệ, giữ gìn hồn cốt dân tộc
- Mâm cơm gia đình – Nét đẹp gìn giữ nếp xưa.http:
- Lễ nhập nhập -Văn hóa tâm linh của người Việt
- Sống châm – Nghệ thuât tìm lại chính mình
Xem nhanh
Phép tắc gia đình – Cội nguồn của nếp sống đẹp
“Phép tắc gia đình” là những quy tắc ứng xử được ông bà, cha mẹ truyền dạy từ đời này sang đời khác. Không cần sách vở, cũng chẳng cần luật lệ, đó là cách mà trẻ em được dạy từ lời chào, tiếng mời, đến sự tôn trọng và yêu thương người thân.
Còn nhớ ngày thơ bé, tôi lớn lên trong một gia đình ba thế hệ. Trong bữa cơm, chị em tôi luôn phải mời từng người: “Con mời bà xơi cơm, con mời bố mẹ xơi cơm” rồi mới được ăn. Mỗi sáng ra khỏi nhà, tiếng “Con chào bà, chào bố mẹ” luôn vang lên, tự nhiên như hơi thở. Những phép tắc nhỏ như vậy đã dần dần hình thành nên sự lễ phép, biết ơn và khiêm nhường trong mỗi người.
Phép tắc gia đình thể hiện qua sự kính trọng và hiếu thuận
Kính trên là nền tảng của mọi mối quan hệ trong gia đình Việt. Đối với ông bà, cha mẹ, con cháu cần biết:
- Thưa gửi lễ phép, không chen lời hay nói trống không.
- Ghi nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục.
- Khi có việc lớn nhỏ, luôn xin phép và hỏi ý kiến người lớn.
Tình cảm ấy không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn qua hành động: con cháu chăm sóc ông bà lúc tuổi già, nhường phần ngon trong bữa cơm, quan tâm từng cơn đau nhức của cha mẹ.
Như bà tôi ngày xưa thường nói: “Hiếu là gốc của đức, nhà có hiếu mới có phúc lâu bền.” Lời dạy ấy theo tôi suốt cuộc đời.
Phép tắc trong gia đình giữa anh chị em: Yêu thương và nhường nhịn
Pphép tắc trong gia đình còn thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa anh chị em. Trong những gia đình truyền thống, trẻ nhỏ được dạy:
- Phải biết nhường nhịn, không tranh giành phần hơn.
- Phải thương yêu, che chở nhau khi gặp khó khăn.
- Phải chia sẻ việc nhà, học cách hợp tác và giúp đỡ.
Tôi vẫn nhớ những sáng mùa đông, chị em tôi dậy sớm rang ngô cho cả nhà. Hạt ngô nở bung gọi là “ngô hoa” – Phần ấy luôn để dành cho bà nội, còn hạt cúp thì chúng tôi chia nhau. Không ai bắt buộc, chỉ là tự nhiên như thế, bởi lòng thương yêu được gieo mầm từ nhỏ.
Phép tắc gia đình thời hiện đại: Đâu đó đang mai một
Ngày nay, trong guồng quay bận rộn, không ít gia đình đang dần đánh mất những phép tắc truyền thống. Nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn ra ở riêng sau khi kết hôn để “thoải mái hơn”. Trẻ em lớn lên trong không gian riêng biệt, ít có dịp giao tiếp với ông bà, thậm chí đôi khi gặp người lớn cũng không chào hỏi nếu không được nhắc nhở.
Việc ăn cơm cùng nhau trở thành xa xỉ, lời mời cơm – Tưởng đơn giản – Lại dần biến mất. Trong khi đó, mạng xã hội, tivi, game… chiếm trọn thời gian kết nối giữa các thành viên.
Theo chuyên gia giáo dục TS. Nguyễn Hữu Hợp: “Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất. Nếu trẻ không học được phép tắc trong gia đình, thì khó có thể mong đợi trẻ biết cư xử đúng ngoài xã hội.”
Giữ gìn phép tắc gia đình – Gìn giữ hồn cốt Việt
Dù thời đại có thay đổi, việc gìn giữ phép tắc trong gia đình vẫn là trách nhiệm của mỗi người. Cha mẹ cần:
• Làm gương trong ứng xử, ngôn ngữ với con cái và ông bà.
• Duy trì các nghi lễ gia đình: mời cơm, chào hỏi, xin phép.
• Kể cho con nghe về truyền thống, nếp nhà, những câu chuyện gắn liền với đạo lý.
Nhà trường và xã hội cũng cần vào cuộc thông qua các chương trình giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ gia đình,… để nuôi dưỡng những giá trị văn hóa này.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ, nhiều ứng dụng giáo dục đạo đức – Kỹ năng đã ra đời, giúp cha mẹ dạy con từ xa, theo dõi hành vi, nhắc nhở con chào hỏi, mời cơm,… Đây cũng là một cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đầy hiệu quả
Giữ lửa yêu thương, giữ vững nếp nhà
Phép tắc trong gia đình không chỉ là những quy ước ứng xử đơn thuần. Đó là biểu hiện của đạo đức, là nếp nhà, là hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Những lời chào, câu mời, sự nhường nhịn… tưởng nhỏ bé, nhưng lại là bài học lớn nuôi dưỡng nhân cách con người từ thuở ấu thơ.
Nếu mỗi gia đình vẫn còn giữ được ngọn lửa yêu thương và phép tắc, thì dù có đi đến đâu, mỗi người con đất Việt vẫn luôn mang trong mình một gốc rễ vững vàng – Thứ gốc rễ làm nên lòng tự hào và sức sống bền lâu của dân tộc.