Mâm cơm gia đình là nơi diễn ra một bữa ăn thường nhật, là biểu tượng văn hóa sâu sắc, nơi lưu giữ nếp xưa, tình thân và những giá trị truyền thống bền vững. Giữa vòng quay hối hả của thời đại, hình ảnh cả gia đình quây quần bên mâm cơm vẫn luôn là ký ức đẹp và thiêng liêng trong lòng nhiều người.
- Gìn giữ nếp nhà – Bản sắc gia đình Việt trong thời đại số
- Bến quê – Miền ký ức neo đậu trong tâm hồn
- Sống châm – Nghệ thuật tìm lại chính mình
Xem nhanh
Mâm cơm gia đình – Vòng tròn của sự sum vầy
Từ bao đời nay, người miền Bắc vốn trọng sự “tròn đầy” – Biểu tượng của sự viên mãn và gắn kết. Vì vậy, mâm cơm xưa thường là mâm tròn, được làm từ tre, mây hay sau này là nhôm, inox. Cái mâm không quá lớn; nhưng đủ cho dăm bảy người ngồi quanh, bệt trên chiếu cói, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả.
Trong ký ức của nhiều thế hệ, bữa cơm gia đình là khoảng thời gian quý giá nhất trong ngày. Lúc ấy, mọi người tạm gác lại công việc để cùng nhau ăn cơm. Không ai ngồi cao hơn ai; không có sự phân biệt – Bởi mâm cơm là biểu hiện rõ nhất của sự bình đẳng và yêu thương trong gia đình. Trẻ con ngồi cạnh ông bà; cha mẹ gắp thức ăn cho con; người lớn nhường nhịn người già –Tất cả hòa quyện thành một vòng tròn đậm nghĩa tình.
Một ký ức nghèo – Bữa cơm gia đình và tình mẹ bao la
Khi nhắc đến mâm cơm gia đình, tôi nhớ tuổi thơ trong những năm tháng khó khăn. Năm 1972, nhà nghèo, bố đi bộ đội, mẹ nuôi bốn chị em. Mẹ vượt sông mua sắn khô về độn cơm. Cơm ít, sắn nhiều, mẹ luôn chia phần cho các con nhiều cơm hơn, còn mẹ chỉ lặng lẽ ăn bát cơm độn sắn.
Chúng tôi ngồi bệt trên chiếu, cái mâm cơm nghi ngút khói, chỉ có cơm độn sắn. Mẹ mỉm cười hiền hậu nhìn từng đứa con ăn chậm rãi. Vị bùi của sắn, vị ngọt của cơm hòa trong ánh mắt yêu thương của mẹ. Bữa cơm nghèo thấm đẫm nghĩa tình ấy theo tôi suốt đời, không thể quên mâm cơm gia đình.
Triết lý sống ẩn trong mâm cơm gia đình
Người xưa không ngẫu nhiên duy trì tập quán ăn quanh mâm. Đó là một triết lý sống sâu sắc. Mâm tròn tượng trưng cho sự hoàn hảo, tuần hoàn và viên mãn. Khi cả nhà cùng hướng vào mâm cơm; không ai quay lưng, không ai tách biệt –Ấy là lúc tình cảm gia đình được hội tụ đầy đủ và trọn vẹn nhất.
Từ nhỏ, trẻ em miền Bắc đã được dạy những lễ nghi khi ngồi vào ăn cơm: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Ăn có mời, chơi có hội”. Trước khi ăn, phải mời ông bà cha mẹ; trong khi ăn thì nhường nhịn, không dành phần ngon. Những bài học nhỏ ấy dần hình thành nên nhân cách: biết kính trên nhường dưới; biết sẻ chia, yêu thương và sống hòa thuận.
Mâm cơm gia đình hôm nay – Đủ đầy nhưng vơi vắng
Ngày nay, cuộc sống đã đầy đủ hơn. Bữa cơm gia đình không còn là cơm độn sắn như ngày xưa, mà là những món ăn đủ vị: bát canh cua thơm lừng, đĩa thịt kho trứng, dưa cà giòn tan… Thế nhưng, mâm cơm lại thường thiếu đi tiếng cười, thiếu đi người.
Giữ gìn mâm cơm gia đình – Giữ gìn giá trị sống
Bữa cơm gia đình không chỉ là nơi ăn uống, mà còn là nơi dạy con người biết sống tử tế, yêu thương và trân quý những giá trị truyền thống. Dù thời gian có làm thay đổi hình thức – Bàn ăn thay mâm tròn, ghế cao thay chiếu cói – Nhưng cái tâm của bữa cơm, cái tình sum vầy vẫn luôn cần được gìn giữ.
Bởi mỗi bữa cơm là một sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại. Và mâm cơm gia đình – Dù đơn sơ hay thịnh soạn – Vẫn mãi là biểu tượng thiêng liêng của mái ấm miền Bắc, là nơi nuôi dưỡng tình thân và lưu giữ những điều đẹp đẽ nhất của một thời đã qua.