Nhà tôi có một góc sân nhỏ trước hiên nhà, không rộng, không đẹp, chỉ lát bằng những tấm xi măng cũ. Thế mà suốt bao năm, đó lại là nơi cả nhà từng quây quần – mẹ nhặt rau, cha uống trà, bà xỏ kim, và lũ trẻ chơi đùa dưới nắng. Mỗi vệt rêu, mỗi vết nứt trên nền sân đều in dấu chân một thời đã xa.
- 6 sai lầm khi sử dụng quạt tưởng vô hại nhưng lại làm tổn thương tim, gây tai biến
- Cách làm thịt rán giòn bì, thơm ngon, đậm vị
- Nhật Bản, Hàn Quốc đàm phán với Mỹ trước hạn chót thuế quan tháng TámC
Bây giờ, góc sân ấy vẫn còn. Nắng vẫn đổ nghiêng, gió vẫn lùa qua tán bàng già.
Chỉ là… những người từng ngồi ở đó, từng cười, từng càm ràm, từng lặng lẽ yêu thương đã không còn đủ đầy nữa.
Xem nhanh
Góc sân mở ra một thế giới tuổi thơ
Tôi lớn lên trong một ngôi nhà cấp 4 bình dị. Phía trước là khoảng sân xi măng, không lát gạch hoa, không chậu cây xịn – chỉ là khoảng trống nhỏ để ánh nắng rọi vào mỗi sáng. Trưa nắng lên thì lấp ló bóng cây bàng đổ nghiêng.
Mỗi sáng, mẹ ngồi nhặt rau, chân xếp bằng trên chiếc ghế nhựa thấp, tay thoăn thoắt, miệng thì luôn rầy tôi chuyện ngủ dậy quên không gấp màn.
Cha ngồi đối diện với chén trà nóng và tờ báo, lâu lâu chen vào một câu: “Nghe nói hôm nay nắng to đấy!”
Và bà nội tôi dáng nhỏ, tóc bạc, luôn ngồi gần hiên, cầm kim khâu lại áo, đính lại cúc, hoặc xỏ lại từng đôi tất cho tụi nhỏ. Bà vừa làm vừa thủ thỉ kể chuyện ngày xưa: chuyện ông nội đi bộ đội, chuyện cha trốn học đi câu cá rồi bị bà bắt được…
Tụi tôi chẳng cần tivi, chẳng cần YouTube, chỉ cần ngồi quanh bà, mỗi đứa cầm một miếng bánh đa, vừa nhai giòn rôm rốp, vừa nghe bà kể chuyện mà cười lăn.
Góc sân – không gian đa năng nhất nhà
Góc sân bé thế, nhưng là chốn diễn ra mọi “nghi lễ gia đình”.
Sáng: mẹ phơi lúa, phơi đậu.
Trưa: cha nằm võng uống trà, đọc báo.
Chiều: cả nhà phơi quần áo, phơi chiếu, phơi cả tiếng cười của hàng xóm ghé chơi.
Cứ tầm 5h chiều, hàng xóm tạt qua hỏi: “Nhà chị có rau lang không? Tôi đổi mớ cá nè.” Thế là mẹ bỏ rổ rau, cha kéo thêm ghế, tôi lủi vào trong vì ngại nghe người lớn nói chuyện.
Nhiều buổi chiều, tôi ra góc sân ngồi học bài mặc hơi nóng từ xi măng phả lên mặt. Tiếng chim gọi nhau trên mái nhà, tiếng bà ho khan trong bếp… Tất cả tạo nên một bản giao hưởng quê nhà rất đỗi bình yên.
Những mùa Tết bắt đầu từ góc sân
Tết đến, sân nhà náo nhiệt như cái chợ. Cảnh gói bánh chưng diễn ra ngay trên nền xi măng: mẹ xếp lá dong, bà gói bánh, cha cột dây, tôi và em thì được giao nhiệm vụ… đếm bánh. Đếm xong ngủ quên lúc nào chẳng hay.
Đêm 30, cha nhóm bếp củi nấu bánh ngoài sân. Mùi khói, mùi lá, mùi nếp quyện vào nhau tạo nên mùi Tết không thể trộn lẫn. Mẹ dặn: “Canh lửa cho cha, đừng nghịch phá nghe chưa.” Tôi gật đầu, nhưng lát sau đã ôm cái nồi… làm trống.
Cũng nơi sân ấy, sáng mùng 1 cả nhà xếp hàng chúc Tết. Tôi luôn là đứa chúc sau cùng, lí nhí nói: “Con chúc bà nội và cha mẹ năm mới nhiều sức khỏe.” Bà xoa đầu, mẹ dúi vào tay bao lì xì mà tôi biết chắc chỉ có… tờ 5 nghìn đỏ chói nhưng vui lắm!
Góc sân nhỏ – nơi cất giữ những khoảnh khắc vụn vặt
Có những điều nhỏ xíu mà chẳng ai để ý, nhưng khi gom lại, chúng tạo nên cả một miền ký ức. Với tôi, góc sân nhà là nơi cất giữ tất cả những mảnh vụn ấy – những mảnh ghép rất đời, rất thật và không thể thay thế.
Ở đó có cái rổ nhựa cũ mẹ dùng để nhặt rau, đáy rổ nứt một đường nhưng vẫn được “chữa cháy” bằng sợi dây nilon đỏ. Có chiếc ghế gỗ cha hay ngồi uống trà một bên chân gãy, được kê bằng viên gạch thẻ. Mỗi lần cha dịch người là ghế kêu cót két, nhưng ngồi mãi rồi thành quen, không ai đổi. Có cây chổi tàu lá mà bà nội thường dùng để quét sân mỗi sáng sớm.
Sân còn giữ cả những buổi chiều mưa bất chợt. Mẹ đang nấu ăn, nghe tiếng sấm liền gọi to: “Thu đồ kìa con ơi!” Tôi phi ra sân rồi trượt ngã làm rơi cả chậu đồ. Mẹ chỉ thở dài: “Thôi, mưa rồi, đồ ướt thì giặt lại. Con có đau lắm không?”
Góc sân ấy, còn có cả tiếng cười vang của những trận đùa nghịch, tiếng khóc dỗi hờn của tụi nhỏ, và những đêm nằm trên chiếu hóng mát, ngửa mặt đếm sao, rồi đố nhau ngôi sao nào là “sao may mắn”.
Bây giờ nghĩ lại, nếu nhắm mắt nhớ lại thời thơ ấu – tôi chắc chắn sẽ nhớ về góc sân ấy đầu tiên.
Khi góc sân nhỏ vẫn còn, nhưng người thì không
Bà tôi mất vào một ngày đầu đông. Khi bà ra đi, mẹ khóc nhiều và cha lặng lẽ hơn trước. Tôi cứ đứng mãi ở góc sân, nhìn chiếc ghế bà hay ngồi; chiếc quạt mo treo bên cột, và cái rổ vá áo còn để y nguyên chỗ cũ.
Từ ngày bà mất, góc sân vắng đi hẳn tiếng kể chuyện; tiếng cười khan, cả tiếng bà mắng yêu tụi cháu “hư quá trời”. Mẹ vẫn ngồi đó nhặt rau. Cha vẫn uống trà. Nhưng không còn ai cằn nhằn khi tôi chạy lung tung nữa.
Tôi lớn lên, đi học xa, rồi làm việc ở thành phố. Góc sân ngày càng ít người ngồi. Cha yếu dần, không còn uống trà ngoài hiên mỗi sáng. Mẹ vẫn nhặt rau ở đó, nhưng tay run run không còn nhanh nhẹn như xưa.
Năm nay tôi về ăn Tết sớm với cha mẹ , sân nhà vẫn thế nhưng mọi thứ dường như… yên lặng hơn. Mẹ ngồi một mình, ánh nắng chiều loang trên nền xi măng. Tôi ngồi bên cạnh, bỗng thấy sống mũi cay cay. Hóa ra, góc sân vẫn còn chỉ là người thân yêu đã không còn như trước.
Góc sân nhỏ – Nơi ký ức còn mãi
Bây giờ tôi sống trong căn hộ rộng rãi, có sân thượng, có ban công. Nhưng không có cái sân nhỏ nào khiến tôi muốn ngồi bệt xuống đất; ăn gói mì tôm sống; nghe bà kể chuyện cũ hay nhìn cha mẹ ngồi lặng lẽ bên nhau.
Góc sân nhỏ của nhà tôi chỉ rộng bằng ba chiếc chiếu nhưng là nơi chất đầy yêu thương. Nơi tôi học cách yêu, cách nhường nhịn, cách sống. Nơi bà, cha và mẹ dạy tôi lớn lên bằng những điều giản dị.
Và có lẽ sau này, nếu chọn một nơi để trở về tôi sẽ chọn góc sân cũ ấy. Dù không còn ai ở đó, chỉ còn nắng chiều và bóng cây bàng nghiêng nghiêng…