Ánh hoàng hôn trên những con đường quê gợi nhớ hình ảnh người bà, người mẹ trong tà áo tứ thân mộc mạc – biểu tượng văn hóa của miền Bắc xưa. Dù không còn phổ biến trong cuộc sống hiện ại, chiếc áo ấy vẫn sống mãi trong ký ức và tâm hồn người Việt
- Tết Đoan Ngọ – Nét đẹp văn hóa Việt còn vẹn nguyên
- Phong thủy xây nhà: Nét văn hóa truyền thống của người Việt
- Áo dài khăn đóng – Sự giao hòa giữa truyền thống và trang phục
Xem nhanh
Áo tứ thân – Biểu tượng của phụ nữ miền Bắc xưa
Áo tứ thân là loại trang phục truyền thống đặc trưng của phụ nữ miền Bắc Việt Nam; phổ biến suốt hàng trăm năm trước khi bị thay thế bởi các kiểu trang phục hiện đại. Với thiết kế gồm bốn thân áo – hai thân phía trước tách rời, hai thân phía sau liền nhau – Chiếc áo này vừa kín đáo, vừa linh hoạt; phản ánh được sự cần mẫn và duyên dáng của người phụ nữ nông thôn.
Màu sắc của áo cũng mang những ý nghĩa văn hóa riêng biệt. Trong đời sống thường nhật, phụ nữ hay mặc áo màu nâu, chàm – Những gam màu thấm đượm hơi thở ruộng đồng, bùn đất; tượng trưng cho sự nhẫn nại và gắn bó với lao động chân tay. Còn trong các dịp hội hè, lễ tết, người ta diện áo màu hồng, xanh, tím rực rỡ, kết hợp với khăn mỏ quạ và yếm đào, toát lên vẻ đẹp duyên dáng nhưng vẫn nền nã, truyền thống.
Áo tứ thân không chỉ là y phục – Nó là một phần hồn dân tộc
Áo gắn bó mật thiết với nếp sống và tâm hồn của người dân quê miền Bắc. Từ những buổi ra đồng; gánh nước, cho đến các dịp đi chợ, dự hội; chiếc áo ấy theo chân người phụ nữ đi suốt cuộc đời. Dưới bóng cây đa; cạnh giếng nước làng, hình ảnh người mẹ trong tà áo vừa ru con vừa nhặt rau; hay bà cụ lom khom nhóm bếp chiều… là những hình ảnh khó quên đối với bất kỳ ai từng lớn lên nơi làng quê Việt Nam.
Chiếc áo ấy giản dị mà không đơn điệu, nhẹ nhàng mà đầy kiêu hãnh. Trong câu quan họ vang lên từ hội Lim; trong những trích đoạn chèo xưa cũ, ta vẫn thấy tà áo tứ thân bay bay theo nhịp hát; đưa người xem trở lại với những ngày tháng thanh bình; khi con người sống chậm hơn, gắn bó với nhau bằng nghĩa tình và đạo lý.
Mai một giữa guồng quay hiện đại
Đáng tiếc thay, ngày nay, áo tứ thân hầu như không còn hiện diện trong đời sống thường nhật. Giới trẻ ít biết đến cách mặc, ý nghĩa hay nguồn gốc của chiếc áo truyền thống này. Những chiếc áo ấy giờ chỉ còn xuất hiện trong các vở chèo, hát quan họ, hoặc lễ hội dân gian – Như một hiện vật được “trình diễn” hơn là một phần sống động của văn hóa dân tộc.
Việc áo tứ thân mai một không đơn thuần là sự thay đổi thời trang; mà là dấu hiệu của sự rời xa cội nguồn văn hóa. Khi một thế hệ không còn mặc; không còn kể về, không còn thấy thân thuộc với áo đó, thì chúng ta đang dần để mất một phần bản sắc Việt.
Gìn giữ và đánh thức di sản
Giữ gìn áo tứ thân không nhất thiết là phải mặc hàng ngày. Điều quan trọng hơn là chúng ta có ý thức khơi dậy lại tình yêu với những giá trị truyền thống. Từ việc mặc áo tứ thân trong các dịp lễ, cưới hỏi mang phong cách dân gian; đến chụp ảnh kỷ niệm, dạy học sinh về trang phục truyền thống… mỗi hành động nhỏ đều góp phần làm sống lại một phần của văn hóa Việt xưa
.
Giới trẻ hoàn toàn có thể sáng tạo cách mặc áo tứ thân hiện đại hơn; cá tính hơn, mà vẫn giữ được cốt cách dân tộc. Nhiều nhà thiết kế thời trang đang thử nghiệm kết hợp áo tứ thân với chất liệu, phụ kiện mới để tạo ra những thiết kế vừa truyền thống, vừa hợp xu hướng.
Tà áo chở hồn quê
Áo tứ thân không chỉ là một món đồ vải vóc – Đó là tà áo chở hồn quê, là ký ức về bà, về mẹ, về những phiên chợ chiều và tiếng trống hội làng. Trong hành trình hướng tới tương lai, chúng ta không thể để chiếc áo ấy bị bỏ lại phía sau. Giữ lấy áo tứ thân – Cũng là giữ lấy gốc rễ, là giữ cho bản sắc Việt không phai nhòa giữa biển lớn toàn cầu.
Hãy một lần khoác lên mình chiếc áo tứ thân. Để cảm nhận lại sự dịu dàng mộc mạc của người xưa, và để lắng nghe tiếng vọng của một thời đã xa nhưng chưa bao giờ mất.