Site icon MUC Women

Vì sao càng lớn tuổi, con người càng hay hồi tưởng?

“Ông kể chuyện xưa, cháu nghe bằng cả trái tim. Một buổi chiều thật yên bình.” (Ảnh: Internet)

Càng lớn tuổi, con người càng hay hồi tưởng. Đôi khi chỉ là một mùi hương thoảng qua, một bản nhạc cũ hay buổi chiều gió nhẹ cũng đủ khiến ký ức ùa về. Những câu chuyện tưởng đã ngủ quên lại trở thành niềm an ủi, là cách để người ta kết nối với quá khứ, với chính mình và với người thân. Hồi tưởng không phải vì tiếc nuối, mà là để trân trọng hành trình đã đi qua và gìn giữ những điều đẹp đẽ còn mãi trong tim.

Chiều muộn, trong sân nhà văn hóa tổ dân phố 9, bác Ba ngồi một mình, mắt nhìn xa xăm. Chú chó nhỏ nằm gọn bên chân, không gian tĩnh lặng chỉ còn lại tiếng ve râm ran và làn gió nhẹ lùa qua kẽ lá. Bất chợt bác cất tiếng: “Hồi đó, tụi tao đi bộ cả mấy cây số chỉ để xem phim ngoài trời…”

Tôi ngồi xuống bên bác. Và thế là một buổi chiều trôi qua cùng những câu chuyện không đầu không cuối, nhưng lại đầy ắp kỷ niệm và tình cảm. Tôi chợt nhận ra người lớn tuổi thường hay hồi tưởng. Không phải vì họ rảnh rỗi, mà vì ký ức dường như là một phần tất yếu trong hành trình đi qua năm tháng. Vậy điều gì khiến hồi tưởng trở thành “người bạn thân thiết” của tuổi già?

Hồi tưởng – nhu cầu tự nhiên của tâm trí

Khi còn trẻ, chúng ta hướng về tương lai: học hành, làm việc, yêu đương, lập gia đình, sinh con… Cuộc sống là một guồng quay hối hả mà ở đó, ai cũng bận nhìn về phía trước. Nhưng khi bước qua một nửa đời người, khi những lo toan vật chất đã phần nào ổn định, thì con người lại bắt đầu nhìn lại phía sau.

Hồi tưởng không chỉ là một thói quen, mà là một nhu cầu tự nhiên của tâm trí. Nó giống như việc sắp xếp lại những mảnh ghép ký ức để tìm thấy ý nghĩa, để hiểu chính mình, để chữa lành những tổn thương cũ.

Có người tìm thấy trong hồi tưởng một thời tuổi trẻ hào sảng. Có người tìm lại tình yêu đầu, nỗi đau cũ, hay những nụ cười đã qua. Hồi tưởng là cách để người ta nhớ mình đã từng sống ra sao; trải qua những gì và vì sao hôm nay vẫn thấy cuộc đời còn nhiều điều để vấn vương.

Càng lớn tuổi càng hay hồi tưởng đã từng sống ra sao; trải qua những gì… (Ảnh: Internet)

Càng lớn tuổi, ký ức càng trở nên sống động hơn

Khoa học thần kinh chỉ ra rằng, ký ức gắn liền với cảm xúc có xu hướng lưu giữ lâu hơn trong não bộ. Và càng về già, trí nhớ ngắn hạn có thể giảm sút; nhưng ký ức dài hạn, nhất là những chuyện xảy ra thời trẻ lại thường trở nên sống động hơn.

Chỉ một tiếng rao bánh mì buổi sớm; một mùi nước hoa cũ; hay ánh đèn vàng hắt ra từ quán cà phê vắng cũng đủ để đánh thức cả một vùng ký ức xưa cũ. Không ít lần tôi thấy cô Lành – người hay cằn nhằn nhất tổ dân phố bỗng dịu lại khi nghe một bài nhạc xưa vang lên từ radio: “Hồi đó… tụi tôi nghe bài này khi chờ tin tức chiến sự…”

Một bài hát, một mùi vị, một khung cảnh… đều có thể mở khóa những miền ký ức ngủ quên. Và khi ta nhớ lại, ta không chỉ thấy sự việc mà còn thấy cảm xúc mình từng trải qua.

Hồi tưởng – cách con người khẳng định giá trị bản thân

Khi về già, nhiều người không còn bận rộn với công việc hay gánh vác gia đình nữa. Vai trò trong xã hội dần thay đổi, con cái trưởng thành, cuộc sống chậm lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ thấy mình kém quan trọng. Ngược lại, việc hồi tưởng giúp họ nhận ra rằng: mình đã sống; đã cống hiến, đã yêu thương và đã đi qua biết bao thăng trầm.

Những câu chuyện cũ được nhắc lại không phải để kể công; mà là để gợi nhắc một thời họ đã hết lòng vì gia đình, vì cuộc sống. Mỗi lần nhớ lại, cũng là một lần tự nhủ: “Mình đã không sống uổng phí.”

Như bác Tư trong tổ dân phố, lúc nào cũng kể chuyện ngày xưa đi bộ đội, hành quân qua rừng, ăn mì gạo sấy. Nghe mãi tưởng là lặp lại, nhưng thật ra đó là cách bác giữ gìn những gì đáng quý nhất đời mình và truyền lại cho con cháu bằng tất cả sự tự hào.

Hồi tưởng, suy cho cùng, là cách để người lớn tuổi giữ lại một phần đời mình – những điều có thể đã trôi xa, nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong tim, chỉ chờ ai đó lắng nghe để được sống lại lần nữa.

Càng lớn tuổi, càng khao khát được kết nối với thế hệ sau

Không ai muốn sống mãi trong quá khứ. Nhưng nếu quá khứ được chia sẻ đúng cách, nó sẽ trở thành cây cầu nối liền các thế hệ. Khi người lớn tuổi kể lại chuyện xưa, người trẻ không chỉ hiểu hơn về một thời đã qua; mà còn hiểu hơn về cha mẹ, ông bà – những người đã lặng lẽ hy sinh để ta có được ngày hôm nay.

Trong những buổi sinh hoạt tổ dân phố, những buổi ngồi bên nồi chè nóng, tôi thường thấy bác Ba, cô Lành, chú Hòa kể cho nhau nghe chuyện cũ. Khi thì là vụ sét đánh trúng cây gạo đầu làng năm 1968. Khi thì là chuyện đi sơ tán, nấu cơm bằng bếp củi, lấy nước từ giếng đá ong…

Mỗi câu chuyện ấy nghe tưởng vụn vặt lại là một phần của lịch sử sống. Nó không chỉ lưu giữ ký ức cá nhân; mà còn là cách lưu truyền một lối sống, một nền văn hóa, một cách làm người.

Càng lớn tuổi, càng khao khát được kết nối với thế hệ sau (Ảnh: Internet)

Lắng nghe – món quà quý giá nhất ta có thể trao đi

Có lần, tôi về quê chơi mấy hôm, buổi tối ngồi cùng ông ngoại ngoài hiên. Trăng sáng, gió mát, ông bỗng kể về lần suýt không trở về sau một trận lũ lớn hồi còn làm thủy lợi. Giọng ông đều đều, mắt nhìn xa, như đang sống lại cả quãng thời gian đó.

Tôi không ngắt lời, chỉ thi thoảng “dạ” nhẹ. Ông kể mãi, từ chuyện con đò; cánh đồng bị ngập, đến người bạn cùng đội sau này chuyển vào Nam mà không còn liên lạc nữa.

Khi câu chuyện kết thúc, ông quay sang tôi, cười hiền: “Lâu lắm rồi mới có người để ông kể mấy chuyện này. Ở nhà, tụi nhỏ bận, chẳng ai thích nghe ông kể chuyện…”

Lúc ấy, tôi mới hiểu: với người lớn tuổi, có người chịu ngồi nghe không phải để tìm câu trả lời, mà chỉ để cảm thấy mình vẫn còn hiện diện; vẫn còn điều để kể, và có người thật lòng lắng nghe.

Vì đôi khi, điều khiến người ta cô đơn nhất không phải là không ai bên cạnh; mà là không ai muốn nghe những điều họ giữ trong lòng suốt cả một đời.

Có những điều đã qua… nhưng vẫn ở lại mãi trong tim

Càng lớn tuổi, con người càng hay hồi tưởng, không phải để sống mãi trong quá khứ; mà để níu giữ những điều đẹp đẽ đã từng đi qua. Mỗi câu chuyện xưa là một phần của ký ức; là một phần cuộc đời mà họ muốn được sẻ chia, được lắng nghe, được ghi nhớ.

Khi ta biết lắng nghe những điều tưởng như vụn vặt ấy, ta không chỉ mang lại niềm vui cho người đối diện; mà còn học được cách sống chậm lại, sâu hơn và nhân hậu hơn.

Rồi mai này, khi chính ta cũng ngồi kể lại những chuyện cũ: về một thời còn trẻ, còn nhiều mơ mộng, còn nhiều yêu thương; ta sẽ hiểu rằng: ký ức là món quà quý giá nhất mà thời gian để lại, và người sẵn lòng lắng nghe, chính là điều tử tế nhất mà đời người có thể dành cho nhau.