Site icon MUC Women

Đốt rơm trên ruộng gặt – Một hành động cần nhìn lại

Đốt rơm trên ruộng gặt – Một hành động cần nhìn lại

Đột rơm trên ruộng gặt – Tập quán cần nhìn lại trong kỷ nguyên sống xanh (Ảnh: Đồng Mỵ)

Sau mùa gặt, hình ảnh đốt rơm trên ruộng gặt vẫn diễn ra phổ biến ở nông thôn. Tiện lợi trước mắt nhưng hệ lụy lâu dài: ô nhiễm không khí, nguy cơ tai nạn giao thông và lãng phí tài nguyên sinh học đáng kể.

Đốt rơm trên ruộng gặt – Tập quán quen thuộc nhưng nhiều hệ lụy

Tại nhiều vùng quê, đặc biệt ở những cánh đồng Miền Bắc; mỗi vụ gặt kết thúc cũng là lúc làn khói rơm lại bốc lên trên các cánh đồng. Người nông dân quen tay gom rơm thành đống; châm lửa đốt để nhanh chóng “dọn ruộng”, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Đây là một tập quán lâu đời, xuất phát từ tâm lý tiết kiệm thời gian; nhân lực và chi phí xử lý sau thu hoạch.

Thế nhưng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét; hành động đốt rơm trên ruộng gặt đang để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Lượng khói dày đặc không chỉ bao phủ không gian làng quê mà còn mang theo các khí độc như CO₂, SO₂, NO₂ và bụi mịn PM2.5 – Những tác nhân trực tiếp gây hại cho hệ hô hấp và sức khỏe cộng đồng.

Đốt rơm trên ruộng gặt – Giao thông, sức khỏe và môi trường cùng bị đe dọa

Một trong những hệ lụy rõ ràng nhất từ việc đốt rơm là ảnh hưởng đến giao thông. Vào những buổi chiều hè, khói từ đồng ruộng bốc lên; lan ra các tuyến đường liên xã, quốc lộ, khiến tầm nhìn bị hạn chế nghiêm trọng. Các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy và ô tô; dễ gặp nguy hiểm do mất phương hướng trong làn khói trắng xám mù mịt. Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra chỉ vì hành vi tưởng chừng vô hại này.

Đốt rơm trên ruộng gặt tạo khói mù mịt, làm hạn chế tầm nhìn, gây nguy hiểm cho xe máy và ô tô do mất phương hướng khi lưu thông. (Ảnh: internet)

Ngoài giao thông, chất lượng không khí tại vùng nông thôn – Nơi vốn được coi là trong lành – Cũng bị suy giảm đáng kể. Khói rơm tích tụ; thấm sâu vào phổi gây ho, viêm phế quản, hen suyễn, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và người già. Hơn thế, việc đốt rơm còn làm tăng nhiệt độ đất bề mặt; phá vỡ cấu trúc đất và tiêu diệt vi sinh vật có lợi, từ đó ảnh hưởng đến năng suất canh tác về lâu dài.

Lãng phí tài nguyên sinh học

Điều đáng nói là rơm rạ – Thứ bị coi là “rác nông nghiệp” – Thực chất lại là tài nguyên quý nếu biết tận dụng đúng cách. Thay vì đốt bỏ, người dân hoàn toàn có thể dùng rơm để ủ làm phân hữu cơ; trồng nấm rơm, hoặc làm nguyên liệu đốt sạch thay cho than củi. Tại một số địa phương, rơm còn được dùng làm vật liệu xây dựng truyền thống hoặc chế biến thành giấy; tấm lợp sinh thái.

Một giải pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả là che phủ gốc cây trồng bằng rơm. Việc này giúp giữ ẩm cho đất, giảm bốc hơi nước, hạn chế cỏ dại và sâu bệnh. Các nhà vườn trồng rau, chè, cây ăn quả ở Đà Lạt, Sơn La, Hưng Yên… đã và đang áp dụng rộng rãi phương pháp này. Đặc biệt những vùng trồng cà rốt ven sông, những cánh đồng trồng hành, tỏi… rất cần rơm để che phủ khi mới trồng. Lợi ích không chỉ dừng ở khía cạnh kinh tế; mà còn góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đốt rơm trên ruộng gặt, một đốm lửa giữa đồng thiêu rụi cả không khí, đất đai và tương lai xanh (Ảnh: Đồng Mỵ)

Cần một giải pháp tổng thể

Để giảm thiểu tình trạng đốt rơm trên ruộng gặt; không thể chỉ kêu gọi sự tự giác của người dân, mà cần có sự đồng hành từ chính quyền và ngành nông nghiệp. Việc tổ chức các buổi tuyên truyền; tập huấn kỹ thuật xử lý phụ phẩm nông nghiệp là cần thiết và nên được duy trì thường xuyên.

Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh hơn vào cơ giới hóa – Như máy cuộn rơm, máy ủ phân – Để giúp nông dân xử lý rơm dễ dàng và tiết kiệm hơn. Chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ rơm cũng cần được đẩy mạnh; từ đó hình thành chuỗi giá trị kinh tế cho loại phụ phẩm này.

Ngoài ra, việc ban hành quy định xử phạt hành vi đốt rơm gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường cần được thực hiện nghiêm túc, để từng bước thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng.

Thay đổi từ những điều nhỏ nhất

Không ai phủ nhận sự tiện lợi của việc đốt rơm. Nhưng khi cái tiện nhất thời kéo theo cái hại lâu dài, đó là lúc cần suy nghĩ lại. Mỗi ngọn lửa rơm được châm lên hôm nay, có thể là một phần tử nhỏ đẩy môi trường sống ngày mai đến bờ vực báo động.

Thay đổi không bao giờ dễ. Nhưng nếu mỗi người nông dân nhận thức rõ giá trị của rơm, nếu mỗi cộng đồng cùng chung tay hành động, thì bầu trời làng quê sẽ bớt khói mù, và con đường về nhà sẽ an toàn hơn.
Tiện lợi trong phút chốc, hệ lụy dài lâu: Ô nhiễm môi trường, nguy cơ tai nạn và lãng phí tài nguyên đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi thói quen đốt rơm sau thu hoạch.

Bắt đầu từ việc không đốt rơm trên ruộng gặt, đó cũng là cách ta giữ lại trong lành cho một vùng quê và tương lai xanh cho thế hệ sau.