Site icon MUC Women

Bún riêu cua – Hương vị Bắc Bộ trong từng thìa nước

Bún riêu cua – Hồn quê Bắc Bộ trong từng thìa nước dùng

Bún riêu cua – Vị thanh ngọt từ tự nhiên ( Ảnh internet ).

Trong kho tàng ẩm thực truyền thống Việt Nam, bún riêu cua không chỉ là món ăn dân dã mà còn là biểu tượng của hồn quê Bắc Bộ – Mộc mạc; chan chứa nghĩa tình và lưu giữ bao ký ức ngọt ngào bên bếp lửa ấm.

Bún riêu cua – Ký ức từ những cánh đồng tháng sáu

Tuổi thơ tôi gắn với những ngày tháng Sáu mưa rào chợt đến; khi cánh đồng lúa trước nhà vừa mới nhú xanh; rập rờn mùi đất ẩm và hương lúa non. Sau cơn mưa, mẹ lại đội nón lá, xách rổ tre, dắt tôi ra đồng bắt cua. Những chú cua ngô vàng óng bò lổm ngổm giữa bùn mềm; búng càng loáng loáng dưới nắng chiều. Tôi lon ton theo sau, tay vụng về lần mò bắt cua; lòng rộn ràng một niềm vui nhỏ bé mà thuần khiết.

Ông nội tôi khi ấy bảo: “Muốn cua sống lâu, giữ cho thịt ngọt, phải cho vào chậu nước sạch; thả thêm mấy cây bèo tây xanh mướt.” Tôi ngồi bên sô nước, nhìn lũ cua chui rúc dưới rễ bèo;thi thoảng lại nghe tiếng lách cách bò quanh thành; như nghe một khúc đồng dao dịu dàng của tuổi thơ.

Bún riêu cua – Món ăn của sự quây quần và gắn bó

Bún riêu cua – Ký ức từ những cánh đồng tháng sáu ( Ảnh internet ).

Những buổi chiều sau mẻ cua đầy; cả nhà tôi lại quây quần chuẩn bị cho món bún riêu cua. Mẹ tỉ mẩn xé cua, lọc lấy nước; cha ngồi bên nhặt rau; còn tôi khều từng thìa gạch cua vàng ươm từ mai. Bên gốc bưởi đầu sân; ông nội thái từng lát bẹ chuối và cây chuối non – Thứ chuối trồng từ vườn nhà, thơm nồng mùi đất.

Không khí bếp nhà rộn rã tiếng dao thớt, tiếng nước chảy róc rách; tiếng lũ trẻ ríu rít quanh mâm. Nồi riêu sôi lục bục, mùi thơm từ gạch cua; cà chua và mắm tôm quyện vào nhau; dậy lên hương vị khó tả. Cả nhà ngồi quanh mâm bún riêu nghi ngút khói; chan nước dùng nóng hổi, ăn kèm rau sống xanh mướt – Ấy là một bữa cơm đậm nghĩa gia đình và đầy ắp yêu thương.

Bún riêu cua – Vị thanh ngọt từ tự nhiên

Không giống nhiều món ăn khác; bún riêu cua chuẩn Bắc Bộ đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh tế từ khâu chọn nguyên liệu đến cách chế biến. Cua đồng phải còn sống; được giã tay bằng cối đá mới tách được hết thịt và giữ trọn vị ngọt lành. Gạch cua sau khi khêu sẽ nổi lên trong nước nấu thành từng mảng vàng ruộm, xốp mịn – Gọi là riêu – Chính là “linh hồn” của món ăn.

Bún riêu cua – Vị thanh ngọt từ tự nhiên ( Ảnh internet )

Nước dùng là trái tim của bát bún. Không cần bột ngọt, vị ngọt thanh đến từ chính thịt cua, hòa cùng cà chua xào; dậy mùi mắm tôm và điểm chút giấm bỗng chua dịu. Nồi nước phải luôn trong, sóng sánh, thơm lừng – Đó là sự chỉn chu và tinh tế trong cách nấu nướng của người miền Bắc xưa.

Bún riêu cua – Rau sống và cả một góc vườn quê

Một bát bún riêu cua trọn vẹn không thể thiếu đĩa rau sống xanh mướt – Nào rau muống chẻ nhỏ, kinh giới, tía tô, xà lách non, rau mùi rí… Những loại rau này thường được hái từ vườn sau nhà; rửa sạch, để ráo, rồi đặt cạnh bát bún như một phần không thể tách rời. Mỗi cọng rau giòn tan, quyện cùng thìa nước dùng thanh ngọt; như mang cả khu vườn quê len lỏi vào lòng thực khách.

Chính vị thanh, vị mộc, vị thơm của những loại rau ấy đã làm nên “chất quê” đặc trưng của bún riêu – Một thứ hương vị chẳng thể tìm thấy giữa phố thị ồn ào nếu thiếu đi tình yêu với đất mẹ.

Bún riêu cua – Dòng chảy dịu dàng của ký ức quê hương

Giữa những con phố hiện đại với nhịp sống vội vàng; một quán bún riêu ven đường; một bát bún bốc khói cũng đủ khiến người ta dừng chân; lặng người nhớ lại… Nhớ về mẹ với chiếc nón lá lấm tấm nước mưa; về ông nội ngồi lọc nước cua bên bậu cửa;và về những mùa hè tháng Sáu mưa rào làm đồng lúa xanh hơn cả giấc mơ.

Bún riêu cua không chỉ là món ăn. Đó là miền ký ức; là sợi dây vô hình kết nối người xa quê với những giá trị thuần khiết nhất của làng quê Bắc Bộ. Trong lòng mỗi người Việt; đâu đó vẫn còn một bát bún riêu dành riêng cho mình – Một bát bún mang theo cả tuổi thơ; cả tình thân và những mùa hè không thể quên.